Kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2014
(TN&MT) - Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức...
(TN&MT) -55 năm qua, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như góp phần vào việc phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (14/12) và 55 năm thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ (14/12/1959 – 14/12/2014), phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức Hiếu.
PV:Việc hoàn thiện “Cụm công trình “Xây dựng Hệ Quy chiếu và Hệ toạ độ Quốc gia VN-2000 và ứng dụng hệ định vị toàn cầu (GPS) vào đo đạc – bản đồ ở nước ta” và Công trình Atlas Quốc gia Việt Nam đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 là cột mốc đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Ngành. Xin ông cho biết những dấu ấn đậm nét của Ngành trong 55 năm qua?
Cục trưởng Phan Đức Hiếu: Trước hết, phải khẳng định rằng, trong 55 năm qua, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Ngành đã sản xuất và cung cấp kịp thời bản đồ phục vụ cho chiến trường. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, đo đạc và bản đồ là một trong những ngành điều tra cơ bản, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Với các thành tựu nổi bật, năm 2005, “Atlas Quốc gia Việt Nam” và công trình “Xây dựng hệ Quy chiếu và Hệ toạ độ Quốc gia VN-2000”, “Ứng dụng công nghệ GPS vào ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam” đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Đây là các công trình có sự đóng góp của hàng trăm nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học, các Bộ, ngành có liên quan.
Đồng thời, phải kể đến việc hoàn thành bộ bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50 000 Hệ VN-2000 và lưới tọa độ Hạng III (lưới địa chính cơ sở) phủ trùm toàn quốc vào năm 2004, đưa vào sử dụng trạm thu ảnh vệ tinh tại Hà Nội năm 2009; hoàn thành cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10 000 phủ trùm toàn quốc và tỷ lệ 1:2000, 1:5000 các khu đô thị và kinh tế trọng điểm năm 2013; các dự án hợp tác quốc tế với Campuchia, Lào là những thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian gần đây.
Trong công tác biên giới, Ngành đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành công tác phân định vịnh Bắc Bộ và phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, góp phần ổn định chính trị và giữ vững chủ quyền đất nước.
Ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam cũng đã tham gia thực hiện xây dựng dữ liệu và cung cấp cho các chương trình, dự án quốc tế; thể hiện rõ quan điểm, lập trường và đấu tranh về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các diễn đàn quốc tế.
PV: Trước những thách thức trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ngành vừa phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ cho xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, vừa phải đảm bảo cơ sở để quản lý điều hành khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, tới đây, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam có những chủ trương và giải pháp gì thưa ông?
Cục trưởng Phan Đức Hiếu: Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tới năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng cho Ngành thực hiện các nhiệm vụ của Cục trong thời gian vừa qua cũng như các năm tiếp theo. Để thực hiện tốt Chiến lược này, với chức năng là cơ quan cơ quan quản lý nhà nước đầu ngành về hoạt động đo đạc và bản đồ của Việt Nam, Cục chủ trương tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng sau đây:
Trước hết, phải sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ; tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ theo định hướng Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc triển khai xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đo đạc và bản đồ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, kỹ thuật và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; trong đó, chú trọng đến công tác phát triển đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nhằm định hướng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn của Ngành trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng và xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý đo đạc và bản đồ ở các cấp nhằm quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ theo đúng quy định của pháp luật; sử dụng có hiệu quả các công trình, sản phẩm của Ngành, góp phần tiết kiệm ngân sách.
Một biện pháp quan trọng nữa là phải nhanh chóng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở đo đạc và bản đồ theo hướng hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới, đảm bảo độ chính xác cao và tạo ra các sản phẩm đa dạng phục vụ xã hội. Đồng thời, Cục cũng đang khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án thành lập Ủy ban Quốc gia về Địa danh và Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, làm cơ sở thúc đẩy việc xây dựng, chia sẻ, cập nhật dữ liệu không gian địa lý phục vụ Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước và khai thác, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ của xã hội.
PV: Được biết, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đang được Cục xây dựng và đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành. Xin ông cho biết quan điểm chủ đạo và định hướng chính được đưa vào Luật để ban hành góp phần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ cũng như có hiệu quả trên thực tế?
Cục trưởng Phan Đức Hiếu: Từ năm 2002 đến nay, Nghị định số 12 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ là văn bản pháp quy cao nhất trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Nghị định đã là công cụ quan trọng trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đo đạc và bản đồ. Qua thời gian thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế, có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Cục đang trình Chính phủ Nghị định mới thay thế Nghị định số 12. Đồng thời, Cục đang từng bước chuẩn bị các điều kiện, nội dung liên quan để xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ, phấn đấu trình Quốc hội vào năm 2017.
Quan điểm của Cục là Luật sẽ khẳng định rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt là việc tổ chức xây dựng, cập nhật, khai thác, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ cơ bản, đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính, biên giới quốc gia; phục vụ đắc lực cho Chính phủ điện tử.
Luật cũng sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cả các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động về đo đạc và bản đồ như quản lý quy hoạch, kế hoạch triển khai các dự án; vấn đề chia sẻ, cung cấp, cập nhật thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời và khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình, sản phẩm của Ngành trong mọi hoạt động của đất nước.
Đồng thời, Luật Đo đạc và Bản đồ cũng đưa ra các nội dung mới về công tác quản lý các hoạt động của tổ chức và cá nhân hành nghề đo đạc và bản đồ nhằm đảm bảo chất lượng các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; đồng thời thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào các hoạt động của Ngành, phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới.
PV: Trong ngày vui hôm nay khi mà các thế hệ đã từng công tác và làm việc trong Ngành đo đạc và bản đồ cùng hội ngộ về đây, là lãnh đạo Cục đương thời ông có tri ân và chia sẻ gì tới những thế hệ đàn anh, đàn chị đã đặt những viên gạch nền móng để xây dựng Ngành Đo đạc và Bản đồ phát triển và vững mạnh như hôm nay?
Cục trưởng Phan Đức Hiếu: Để có những thành tựu của Ngành như hôm nay, là thế hệ đi sau, chúng tôi luôn trân trọng những công sức, kết quả của trí tuệ và sự lao động mệt nhọc thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong Ngành trước đây. Trong điều kiện vô cùng khó khăn các bác, các anh, các chị vẫn luôn say mê, nhiệt tình làm việc, cống hiến và đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng cho Ngành, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những phần thưởng cao quý mà các tập thể, cá nhân đã được nhận thể hiện một phần sự ghi nhận, đánh giá của Nhà nước cho những cống hiến này.
Cũng nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành và 55 năm thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Cục, tôi xin kính chúc các bác, các anh, các chị luôn có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự phát triển của Ngành trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Thúy Hằng (thực hiện)