Khiếu kiện đất đai của ông Hồ Sỹ Chững ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh): Hơn 21 năm chờ đợi cán cân công lý
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/11/2014
(TN&MT) - Việc khiếu kiện đất đai của ông Hồ Sỹ Chững xuất phát từ một tình huống cấp đất sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước.
(TN&MT) - Việc khiếu kiện đất đai của ông Hồ Sỹ Chững xuất phát từ một tình huống cấp đất sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước. Tiếp đến, quá trình khắc phục sự việc trước đó từ các cấp chính quyền, ban ngành liên quan… chưa làm tròn trách nhiệm của người cán bộ được giao trọng trách, xử lý chưa thấu tình đạt lý. Vụ việc đã diễn ra hơn 21 năm qua, sự công tâm của cán cân công lý đã nhiều lần lên tiếng những cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Khu đất ông Chững phản ánh
Những sự thật “ẩn khuất”
Báo TN&MT số 55(942), ra ngày 10/7/2014, đăng bài: “Hà Tĩnh: Chính quyền cấp đất sai, dân chịu!”, phản ánh về việc ông Hồ Sỹ Chững thương binh 4/4 ở xóm 9, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà đang lâm vào cảnh khốn cùng vì một sai sót trong quyết định cấp đất của cơ quan quản lý Nhà nước. Sau đó, Tòa soạn báo tiếp tục nhận được đơn phản ánh của ông Chững trình bày bức xúc, cho biết: Chính quyền địa phương không chịu tìm lời giải hợp tình, hợp lý đã gây ra cho người dân mà cố tình bác đơn thư khiếu nại của ông. Để rộng đường dư luận, Phóng viên báo TN&MT tiếp tục tìm hiểu những “ẩn khuất” trong sự việc này.
Cuối tháng 12/1993, UBND huyện Thạch Hà ra Quyết định số 167/QĐ-UB thu hồi Quyết định số 16 ngày 14/5/1993(Quyết định giao đất cho ông Hồ Sỹ Chững trước đó) và thu hồi sổ Lâm bạ(đã cấp cho ông Nguyễn Văn Biểu ngày 22/4/1993), đồng thời kèm theo đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất, đề nghị UBND xã Thạch Xuân tiến hành làm lại thủ tục để giao lại đất cho ông Chững và ông Biểu.
Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu như trước đó Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà (tên đơn vị phụ trách theo cách gọi hiện nay) không cấp đất cho ông Biểu (vào ngày 22/4/1993) chồng lên diện tích đất đã được UBND xã Thạch Xuân đồng ý, có đề nghị huyện Thạch Hà cấp cho ông Chững (vào ngày 15/2/1988 và sau đó UBND Thạch Hà đồng ý ra Quyết định số 16, ngày 14/5/1993) 15 ha đất rừng tạo điều kiện phát triển vườn đồi đã được xác định bởi các mốc giới cố định. Nghiêm trọng hơn, ngày 17/7/1993, ông Chững bị bố con ông Nguyễn Văn Biểu đánh đuổi ra khỏi khu vực đất được xác định trong Quyết định số 16, vì cho rằng vùng đất này ông Biểu đã được cơ quan chức năng cấp sổ Lâm bạ.
Gia đình ông Hồ Sỹ Chững đang chờ đợi vào sự công tâm của cán cân công lý
Để giải quyết tranh chấp giữa ông Biểu và ông Chững, ngày 22/7/1993, đại diện UBND huyện Thạch Hà do ông Lê Đình Sơn (hiện nay ông Sơn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) chủ trì cuộc họp và sau đó kết luận: Quyết định cấp đất của ông Biểu và ông Chững có nhiều thiếu sót nên tạm thời thu hồi quyết định cấp đất. Đồng thời, đề nghị hai hộ dân giao toàn bộ đất được cấp cho Hạt Kiểm lâm, UBND xã Thạch Xuân kiểm tra hiện trường để có phương án xử lý. Tuy nhiên, không hiểu UBND huyện Thạch Hà đã tính toán bằng cách nào mà điểm xảy ra tranh chấp giữa hai hộ nói trên được thu hồi, “biến tướng” chia cho 4 hộ (thêm hộ ông Lưu và ông Tùng). Vụ việc sau đó không tạo được đồng thuận mà còn khiến cho người dân thêm bức xúc, băn khoăn về căn cứ nào để giải quyết như vậy...?.
Trở lại Quyết định số 167/QĐ-UB, ngày 27/12/1993, có diễn giải mốc giới phần đất mà ông Biểu được Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà cấp trước đó. Trái ngược là, đối chiếu móc giới trong Quyết định số 16 mà UBND huyện Thạch Hà cấp cho ông Chững thì diện tích đất đồi giữa hai hộ xảy ra tranh chấp này không trùng nhau. Căn cứ vào cơ sở này có thể lý giải, kết luận của UBND huyện Thạch Hà(do ông Lê Đình Sơn ký vào ngày 22/7/1993) cho rằng sai sót do cấp đất trùng là không có cơ sở, rồi hủy Quyết định số 16 được cấp đất trước đó cho ông Chững không thuyết phục.
Cần được xử lý dứt điểm, hợp tình, hợp lý
Không đồng tình với các kết luận của chính quyền 3 cấp tại Hà Tĩnh, ông Hồ Sỹ Chững đã nhiều lần khăn gói ra Trung ương để nhờ các cơ quan thực thi pháp luật can thiệp. Theo ông Chững, có hai vấn đề mà đại diện cơ quan Nhà nước không làm rõ sự thật, thiếu trách nhiệm với ông trong 21 năm qua. Thứ nhất: Khu vực chính quyền đồng ý cấp đất cho canh tác tại đồi Khe Xai là 15 hec ta, từ năm 1988 gia đình đã vào canh tác và sau 5 năm Nhà nước ra quyết định thu hồi nhưng toàn bộ tài sản trên đất được đầu tư bao công sức đã không được kiểm kê, bồi thường; Thứ hai: Lý do thu hồi Quyết định số 16 (Quyết định của UBND huyện Thạch Hà cấp chứng nhận sử dụng diện tích đất nói trên cho ông Chững) cấp đất trùng với diện tích với hộ ông Biểu là không có cơ sở, bởi lẽ, quyết định cấp đất trước đó của hai hộ có mốc giới rõ ràng. Không những vậy, vì cho rằng diện tích được cấp không đúng trên thực địa nên khi thu hồi UBND huyện Thạch Hà ngoài việc chia cho ông Biểu, tiếp tục chia thêm cho hai hộ dân nữa trong khu vực đất được cấp trước đó cho ông. Và, các hộ dân được chia sau đó ung dung hưởng hoa lợi trên đất, theo ông Chững đó là sản phẩm do công sức cha con ông.
Ngoài ra, khi cấp giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Văn Biểu lại không căn cứ vào hồ sơ được cấp trước đó của ông Hồ Sỹ Chững mà dựa vào giấy tờ của ông Biểu. Một trớ trêu nữa, mới đây khi một số cơ quan báo chí vào cuộc tìm hiểu về hồ sơ làm căn cứ cho UBND huyện Thạch Hà ra quyết định cấp đất cho ông Biểu thì được trả lời đã bị thất lạc. Ông Chững cũng đã nhiều lần gửi đơn thư thắc mắc về nguồn gốc đất của ông Biểu nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền trả lời rõ.
Mới đây, bên lề một cuộc họp diễn ra tại địa phương, phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho biết: “Trường hợp đơn thư của ông Hồ Sỹ Chững là do hệ lụy từ trước không được giải quyết dứt điểm. Địa phương cũng đã nhiều lần họp bàn, phối hợp với xã Thạch Xuân tim cách giải quyết, một phương án đã được cân nhắc là hỗ trợ ông Chững phát triển mô hình trang trại”. Gia đình ông Chững đã phải chịu nhiều khổ sở, mất mát từ khi khiếu kiện, ông Tân cho biết thêm.
Một phần trong khu vực có tranh chấp đã được Nhà nước thu hồi triển khai đường 21
Ông Dương Anh Thúc- Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân cũng không giấu được băn khoăn khi nói về vụ việc của ông Chững (PV-Năm 1993, ông Thúc là trưởng công an xã Thạch Xuân đã nhiều lần tham gia giải quyết hồ sơ). Theo ông Thúc, nguyên nhân là do sai sót của cán bộ, những người để xảy ra sót trong việc cấp đất đều đã nhận kỹ luật. Tuy vậy, quá trình khắc phục còn nhiều uẩn khúc, giữa người dân và cơ quan Nhà nước chưa đồng thuận được phương án và mong muốn các cấp vào cuộc để xử lý dứt điểm.
Được biết, ông Hồ Sỹ Chững đã gửi đơn khiếu kiện lên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ngày 10/7, Văn phòng Tỉnh ủy đã có công văn số 1076-CV/VPTU đề nghị UBND huyện Thạch Hà xem xét để trả lời công dân. Sau khi tiếp nhận chỉ đạo của tỉnh, ông Ngô Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đã ký văn bản trả lời bác đơn của ông Chững, cho rằng đơn khiếu kiện không đủ cơ sở. Và, ông Chững tiếp tục mang hồ sơ ra cầu cứu các cơ quan Trung ương.
Trong căn nhà gỗ đơn sơ được dựng từ những năm 1960, nơi đó ông Hồ Sỹ Chững vẫn cặm cụi từng bộ hồ sơ khiếu kiện, dân làng ví ông là “Bao Chững”, bởi lẽ, đã hơn 21 năm kiên nhẫn đi tìm công lý. Thời gian ông dành cho đất rừng, cái “mất” giờ đã gấp nghìn lần cái “được” nhưng ông Chững vẫn quyết tâm theo vụ việc đến cùng, bởi ông cho rằng: Sự thật cuối cùng vẫn là sự thật, nhiều người dân ở cái xã này cũng tin một ngày nào đó sẽ được làm sáng tỏ cho gia đình ông.
Bài và ảnh: Cao Lĩnh