Cần Thơ bàn biện pháp chống ngập lụt
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2014
(TN&MT) – Ngày 23/10, TP.Cần Thơ đã họp cùng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam bàn về giải pháp chống ngập lụt cho thành phố.
(TN&MT) – Ngày 23/10, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Võ Thị Hồng Ánh, và các Sở, ngành liên quan đã họp cùng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) bàn về giải pháp chống ngập lụt cho thành phố.
Cần 7.400 tỉ đồng để qui hoạch thủy lợi, chống ngập úng…
Trên cơ sở trình bày nội dung Quy hoạch thủy lợi, chống ngập úng cho TP.Cần Thơ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 20/7/2012, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: TP.Cần Thơ hiện đang phải chịu ngập úng nghiêm trọng do tác động tổ hợp của các yếu tố thủy triều, lũ và mưa nội vùng, các hoạt động phát triển và kiểm soát lũ trong lưu vực sông Mê Công, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặt khác có liên quan đến quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, ý thức cộng đồng, sự phối hợp giữa các ngành…
Ngập lụt tại đường nội thị TP.Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng
Quan sát tình hình ngập lụt trong những năm gần đây cho thấy, ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, năm sau thường lớn hơn năm trước, hầu hết các quận đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa thời đoạn lớn. Khu vực ngập nghiêm trọng nhất là các quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy với độ sâu từ 40 đến 50cm kéo dài từ 2 đến 3 giờ, nhiều hẻm bị ngập sâu từ 20 đến 30cm khi mưa lớn hoặc triều cường, nhưng kéo dài từ 3 đến 4 giờ gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của người dân. Đối với các quận Cái Răng, Ô Môn, huyện Phong Điền độ ngập phổ biến từ 20 đến 30cm, nhưng rút sau khi mưa khoảng 2 đến 3 giờ, còn các khu ruộng sản xuất nông nghiệp có độ ngập từ 70 đến 80cm, có nơi từ 1 đến 1,2m, thời gian ngập từ 1 đến 2 tháng vào những năm lũ lớn…
Nhằm từng bước giải quyết vấn đề ngập úng và tiêu thoát nước cho TP.Cần Thơ, Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP.Cần Thơ đưa ra 2 giải pháp công trình là xây dựng các công trình nhằm kiểm soát lũ, tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, văn ngăn triều và trạm bơm; còn giải pháp mềm và vùng đệm tạo ra các hồ, kênh rạch lưu trữ nước, trồng cây xanh…, nhưng ưu tiên phương án ngăn lũ, triều bằng bao lớn vùng trung tâm TP.Cần Thơ dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục, kênh Ô Môn.
Theo lý giải của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, việc chọn phương án ngăn lũ, triều bằng bao lớn vùng trung tâm TP.Cần Thơ dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục, kênh Ô Môn là vì hiệu quả kinh tế và tổng kinh phí hơn 7.400 tỉ đồng - thấp hơn so với phương án ngăn lũ, triều bằng bao nhỏ theo các kênh rạch hiện có (kinh phí thực hiện trên 7.800 tỉ đồng) hoặc ngăn lũ, triều bằng hệ thống bao vừa theo các trục thoát nước chính như rạch Trà Nóc, rạch Bình Thủy, rạch Bằng Tăng, kênh Thắng lợi… (kinh phí thực hiện trên 11.200 tỉ đồng).
Đẩy mạnh các giải pháp phi công trình…
Nhiều cán bộ lãnh đạo đại diện các Sở, ngành, quận huyện TP.Cần Thơ thống nhất với Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.Cần Thơ do Viện kiến trúc quy hoạch miền Nam thực hiện. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn nhất là yếu tố môi trường.
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn Phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ cho rằng, dự án thủy lợi chống ngập úng cho TP.Cần Thơ do được phê duyệt từ năm 2012, một số số liệu sử dụng trong dự án quy hoạch này không còn phù hợp so với hiện nay. Ví dụ, dự án lấy đỉnh nước lũ cao nhất là 2m15, nhưng trong năm 2013 không có lũ, nhưng mực nước vẫn đạt 2m15. Bên cạnh đó, dự án chưa quan tâm đến độ lún ở một số khu vực nội thị mỗi năm 2cm; chưa phân tích được khu vực nào bị ngập do lũ, khu vực nào bị ngập do triều cường, khu vực nào bị ngập do mưa… Nếu ngập do mưa việc tạo ra các ao hồ để chứa nước thì được, nhưng nếu ngập úng do triều cường hoặc là lũ thì các ao hồ khó có thể chứa nước.
Ông Kỷ Quang Vinh nói: “Để giải quyết được vấn đề ngập ở Cần Thơ thì chúng ta phải tùy vào từng vùng, từng nguyên nhân để có những giải pháp khác nhau. Thậm chí có vùng cần những giải pháp tổng hợp. Đồng thời, có một điểm lưu ý là chúng ta không thể làm khô ráo thành phố theo ý muốn chúng ta được mà chỉ làm giảm thiệt hại. Cho nên đôi khi chúng ta phải dùng một biện pháp khác là “hy sinh” tức là nếu có những trận mưa, trận lũ lớn sẽ làm đô thị bị ngập thì chúng ta sẽ mở những vùng nông thôn, vùng trũng để lũ, để nước vào đó như vậy sẽ giảm được thiệt hại cho đô thị và tìm cách để hỗ trợ cho nông thôn”.
Theo ông Nguyễn Minh Thế - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ: Để thích ứng được với tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, trong thời gian qua Cần Thơ đang thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, để phát triển bền vững lâu dài, nên đẩy mạnh các giải pháp phi công trình để tạo ra mảng xanh thẩm thấu nước, các ao hồ sẽ là nơi chứa nước, điều hòa cho thành phố. “Nhưng để thực hiện được việc này vấn đề đặt ra với thành phố là tạo ra quỹ đất để thực hiện các giải pháp phi công trình…” - ông Thế kiến nghị.
Chung quan điểm với ông Thế, ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Cần Thơ cho rằng: Trong quy hoạch của thành phố cần chú trọng đến các giải pháp phi công trình để chống ngập lụt, trong đầu tư cần tăng khả năng thẩm thấu nước, tạo ra nơi lưu chứa nước. Khi đào, đắp theo chiều rộng để kiểm soát nước xâm nhập, tạo ra vùng đệm trữ nước, thu nước…
Bài & ảnh: Lê Hùng