“Xẻ thịt” đất rừng, chính quyền tiếp tay
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2014
(TN&MT) - Khu vực đất rừng thuộc đồi Mốc xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn bị các đối tượng có máu mặt thao túng hết diện tích đất trồng rừng.
(TN&MT) - Vài tháng trở lại đây, khu vực đất rừng thuộc đồi Mốc xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn bị các đối tượng có máu mặt thao túng hết diện tích đất trồng rừng mà Nhà nước giao 50 năm cho các hộ dân để “xẻ thịt” thu về nguồn lợi bất chính khổng lồ. Điều ngạc nhiên là vụ việc diễn ra một cách rầm rộ, ngang nhiên trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết?
Tan hoang đồi Mốc
Cách không xa UBND xã Dân Lực, men theo con đường đầy đất đỏ bịt bùng chưa đầy một cây số, chúng tôi có mặt tại đồi Mốc, khu đồi toàn rừng cây xanh ngút ngàn đã biến mất, thay vào đó là những tầng đất bị đào xới nham nhở không thương tiếc. Những gốc cây rừng lâu năm bị xới tung, trơ trọi, xếp đống nơi vạt đồi. Ngay vị trí “đắc địa”, chiếc máy xúc công suất lớn lần lượt xới tung những lớp đất cho hàng chục chiếc xe 3 chân, 4 chân chực chờ “ăn hàng”. Tiếng máy móc, tiếng xe công suất lớn ra vào rầm rộ làm huyên náo cả một khu đồi. Theo quan sát của PV, nếu tính từ mặt đất rừng thì đồi Mốc đã bị khoét sâu chừng 8 – 10 m, có chỗ trên 10 m và được tạo thành 3 tầng cho xe và máy xúc dễ lên xuống, vận chuyển và diện tích chừng 3.000 – 4.000 m2.
Một người dân sống gần đó bức xúc cho biết: Khu vực đồi Mốc xã Dân Lực được Nhà nước giao cho các hộ dân theo diện giao đất giao rừng (hay còn gọi là đất 02) với thời hạn 50 năm từ những năm 1992 đến nay. Trải qua thời gian, một màu xanh bạt ngàn che phủ cả một khu vực rộng lớn, vừa chống xói lở vừa là lá phổi xanh cho cả cộng đồng dân cư. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mới chừng hơn nửa năm trở lại đây đồi Mốc bị chặt hạ cây rừng rồi các phương tiện máy móc được đưa đến để đào bới một cách ngang nhiên. Trời mưa thì bùn đất nhão nhoẹt như đánh bẫy người đi đường, mùa khô thì bụi bay mù mịt đỏ cả một vùng trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Những người dân sinh sống gần đây còn cho biết nếu không có nhà trong đồi thì chẳng ai dám lên khu vực này vì chỉ cần người lạ vào sẽ có những đối tượng bặm trợn, đầu gấu chặn đường “hỏi thăm”? Và sự thật là PV liều mình xông vào và sau một hồi quan sát và dùng trang thiết bị ghi hình tác nghiệp thì ngay lập tức đối tượng bặm trợn, sứt sẹo đầy người xưng là quản lý ngăn cản PV tác nghiệp, đòi thu phương tiện ghi hình, đe dọa dùng vũ lực và không cho ra khỏi đây nếu không xóa ảnh và video?
Nhiều xe 3 chân, 4 chân chực chờ ăn hàng tại đồi Mốc
Tiếp tay hay vô trách nhiệm?
Trao đổi về vấn đề thao túng đất rừng để khai thác đất trái phép với ông Nguyễn Quyết Tính – Chủ tịch UBND xã Dân Lực qua điện thoại thì ông Tính cáo ốm và đang ở bệnh viện. Còn ông Lê Văn Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Dân Lực và cán bộ địa chính Trịnh Văn Dũng thì hai vị này tỏ vẻ bất ngờ, không hề hay biết gì về vấn đề này? Ông Dũng còn viện lý do là mới làm không nắm bắt hết địa bàn, tuy nhiên khi hỏi mới làm là năm nào thì được biết ông Dũng “mới làm” cán bộ địa chính được gần 10 năm? Đất rừng ở đồi Mốc được giao cho bao nhiêu hộ, những hộ nào, diện tích bao nhiêu và đơn vị nào thu gom đất rừng để khai thác đất, thời gian khai thác từ khi nào ông Dũng đều trả lời vô tội vạ là không biết? Rằng bận quá, ít đi kiểm tra nên không nắm sát tình hình? Mặc dù đồi Mốc chỉ cách UBND xã Dân Lực chừng nửa cây số. Chẳng biết, phải làm bao nhiêu năm nữa vị cán bộ này mới “sâu sát” địa bàn, mới ít bận để dành thời gian mà thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối tượng áo trắng (bên phải) đe dọa hành hung và đòi thu máy ảnh của PV?
Theo nguồn tin của PV, khu đồi trên ông Nguyễn Hữu Thanh và ông Lê Xuân Trường người địa phương đã thu gom mua lại của người dân với giá 10 – 12 triệu đồng/sào (1 sào = 500 m2) và tổng diện tích khoảng 1 ha. Ông Thanh cũng thừa nhận mình mua lại đất rừng với giá 3 – 3,5 triệu đồng/sào từ tháng 6/2014 với diện tích chừng 5 sào và khai thác từ đó đến nay, tuy nhiên sau một hồi “tâm sự” thì vị này nhận là có mua 9 sào (tức là 4.500 m2) và độ sâu khai thác mới chỉ có 5 m? Còn người tự xưng quản lý được ông Thanh cho rằng là đứa cháu không bình thường chứ bản thân không gọi điện chỉ đạo đe dọa vũ lực, hành hung PV.
Điều kỳ lạ nữa là, ngay trong lúc trao đổi với PV cán bộ địa phương liện tục gọi điện và nhận điện thoại, sau lúc đó quay trở lại đồi Mốc thì máy móc đã được di dời sạch trơn. Ông Trịnh Văn Dũng và Trưởng công an xã còn phân trần rằng: Giờ máy móc đi hết thì biết ai làm và xử phạt đây?
Sai phạm đã quá rõ ràng nhưng việc trả lời vô trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho “đất tặc” phá rừng ăn cắp tài nguyên lại càng khiến dư luận bức xúc. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể coi thường pháp luật để ra sai phạm trên.
Anh Tú – Thu Thủy