Tài nguyên đất hiếm: Tiềm năng lớn nhưng rủi ro cao

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 17/06/2014

(TN&MT) - Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, việc khai thác khoáng sản này không dễ, mức độ ô nhiễm môi trường mà nó mang lại rất khủng khiếp.
(TN&MT) - Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao và có ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam nguồn tài nguyên đất hiếm có trữ lượng tương đối lớn, dự báo là 22 triệu tấn. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản này không dễ, cần thận trọng bởi mức độ ô nhiễm môi trường mà nó mang lại rất khủng khiếp.
   
Không d khai thác
   
  Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm với trữ lượng lớn. Kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng sản đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái)...
   
Đất hiếm là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghệ cao
    
   
  Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng nguồn tài nguyên này ở nước ta mới chỉ dừng ở mức độ khai thác nhỏ lẻ do công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, vì vậy dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn, không tách được hết thành phần nguyên tố hiếm. Đến nay, Việt Nam mới chỉ khai thác quy mô công suất nhỏ vài ngàn tấn quặng monazit hàm lượng 35 - 45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung hoặc ở Lai Châu để bán theo đường tiểu ngạch. Đất hiếm được nghiên cứu sử dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ôtô... nhưng hiện vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.
   
  Theo cảnh báo từ các chuyên gia môi trường, quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ. Do vậy, việc tổ chức khai thác đất hiếm tại Việt Nam là một vấn đề cần phải xem xét kỹ vì đây là loại khoáng sản đòi hỏi trình độ khai thác ở mức cao. Nếu chỉ dừng lại ở việc khai thác bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến sâu thì giá trị thu về rất thấp.
   
  Khai thác đất hiếm tiềm ẩn những rủi ro cao về môi trường, vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, chọn hướng đi nào cho hiệu quả là điều không dễ, cần phải tính toán rất kỹ lưỡng công nghệ, xử lý môi trường.
   
Khó đt được mc tiêu
   
  Theo định hướng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam đã được xác định tại Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT ngày 4/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thì mục tiêu đặt ra đến 2015 khai thác và chế biến được các sản phẩm ôxyt đất hiếm riêng rẽ với tổng sản lượng đạt 10 ngàn tấn; sản xuất được một số kim loại đất hiếm với quy mô nhỏ. Đến năm 2025 sẽ nâng sản lượng lên gấp đôi, đạt 20 ngàn tấn/năm, phấn đấu sản xuất được một số sản phẩm ứng dụng của đất hiếm.
   
  Theo GS.TS Phùng Viết Ngư (Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam), mặc dù công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng cũng như công tác nghiên cứu từ khai, tuyển đến chế biến và ứng dụng đất hiếm đã thu được nhiều kết quả tốt nhưng Việt Nam vẫn rất khó để xây dựng và hình thành công nghiệp đất hiếm. Tại Việt Nam hiện chỉ có duy nhất Công ty CP đất hiếm Lai Châu khai thác quặng đất hiếm với qui mô nhỏ, một vài cơ sở sản xuất fero chắp vá, thời vụ không chuyên, có hàng ngàn tấn quặng đất hiếm monazite thu được khi tuyển quặng titan ven biển chất kho chưa được chế biến sử dụng…
   
  Đánh giá về tình hình thực hiện định hướng phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh thực tế khó khăn hiện nay (cung vượt cầu, giá đất hiếm rất thấp, trong nước không có nhu cầu), chủ yếu phải dựa vào hợp tác khai thác, chế biến và tiêu thụ với đối tác… Vì vậy tiến độ khai thác và chế biến đất hiếm khó thực hiện được như tiến độ đề ra trong quy hoạch bởi những lý do như: Chi phí sản xuất, chế biến đất hiếm tại Việt Nam cao hơn một số nơi khác do hạ tầng cơ sở thấp kém, sản lượng thấp. Tuy là nguyên liệu hiếm nhưng thị trường đất hiếm rất nhỏ bé, chỉ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, khai thác, chế biến đất hiếm chứa đựng nguy cơ ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm phóng xạ từ đất hiếm rất cao.
   
  Ở Việt Nam, để khai thác hiệu quả loại khoáng sản này, đồng thời đảm bảo an toàn môi trường, cần tiếp tục được đầu tư để phát hiện, đánh giá một cách đầy đủ khoáng sản quý giá này.
   
  Bài và ảnh: Minh Anh