Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Khoảng trống giữa nhận thức và hành động

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/06/2014

(TN&MT) - Theo kết quả khảo sát nhận thức về đa dạng sinh học vừa được công bố mà Việt Nam là năm đầu tiên tham gia...
(TN&MT) - Theo kết quả khảo sát nhận thức về đa dạng sinh học (ĐDSH) của Tổ chức Liên minh Đạo đức Thương mại Sinh học (UEBT) từ 2009 – 2014 vừa được công bố mà Việt Nam là năm đầu tiên tham gia, cho thấy, mặc dù nhận thức về ĐDSH đã được tăng lên nhưng nhận thức được giá trị của bảo tồn thiên nhiên còn là một khoảng trống chưa có lời giải đáp...
   
Bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều thách thức.
   
Nhận thức đã chuyển…
   
  Theo kết quả khảo sát của UEBT được biết có đến 98% người Việt Nam khi được hỏi đều cho rằng, họ chú ý đến nguồn gốc sản phẩm có xuất xứ của sản phẩm, người tiêu dùng Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới ngày càng hướng tới sự minh bạch. 77% người được hỏi nói rằng họ muốn biết về nguồn gốc của nguyên liệu tự nhiên.
   
  Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhận thức cao về đa dạng sinh học. Và câu hỏi được đặt ra là liệu bản thân họ đã đóng góp gì vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, thì có tới 48% người được hỏi cho rằng, sự đóng góp cho đa dạng sinh học của mỗi cá nhân là cần thiết và 84% người cho rằng vừa cần thiết và vừa quan trọng.
   
  Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch tuyên truyền, nâng cao hiểu biết trong việc bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm được đẩy mạnh, có sức lan tỏa lớn như: Chiến dịch "Thay đổi hành vi - Giảm tiêu thụ các sản phẩm động thực vật hoang dã" hay đưa loài gấu hoang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vừa chính thức có mặt trong tem và bưu thiếp của Việt Nam. Những hành động này đã đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn Gấu nói chung và các loài quý hiếm của Việt Nam nói riêng.
   
Cần hành động tương ứng!
   
  Mặc dù nhận thức về giá trị của bảo tồn đa dạng sinh học đang được nâng cao trong cộng đồng, nhưng để có những hành động thiết thực và có những ứng xử văn minh với thiên nhiên vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ với người dân. Thậm chí, con người còn có những hành xử thô bạo với thiên nhiên.
   
  Với việc quan tâm đến những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên không đồng nghĩa với việc giữ gìn và bảo tồn, mà ngược lại, con người đang coi đó là một sản phẩm được “thiên nhiên ban tặng” hay đó là “thần dược” có công dụng vạn năng nên khai thác một cách kiệt quệ, gây nên mất cân bằng sinh thái.
   
  Một thực tế đáng buồn là do nhận thức được giá trị của đa dạng sinh học nên việc săn bắn, buôn bán trái phép động thực vật vẫn diễn ra không ngừng. Tại Việt Nam từ năm 2000 đến tháng 6/2013, Cục Kiểm lâm ghi nhận gần 18.500 vụ vi phạm, tịch thu hơn 199.000 cá thể tương đương gần 700.000 kg. Tuy nhiên, theo ước tính, con số này mới chỉ chiếm 5 - 10% số lượng trên thực tế. Bình quân mỗi năm có khoảng 3.700 - 4.500 tấn động vật và gần 50.000 tấn thực vật hoang dã bị khai thác và buôn bán bất hợp pháp, chủ yếu là các loài linh trưởng, gấu, tê tê, cá, rùa, rắn, hoa lan và các thành phẩm, dẫn xuất của các loài động thực vật hoang dã. Việt Nam vô hình chung đang là “điểm nóng” trong việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã trên toàn thế giới.
   
  Bên cạnh đó, việc coi một loạt các sản phẩm từ thiên nhiên như sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu... là những “thần dược” chữa được bách bệnh cũng đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Trong giới thượng lưu, nhu cầu này ăn sâu bén rễ tới mức họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các món như sừng tê giác, cao hổ cốt… Với nhiều người, việc ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng càng quý, độc và dị thì được coi là một sự sành điệu, là cách để chứng tỏ đại gia nhiều tiền. Những điều này minh chứng cho thấy rằng, khoảng cách từ nhận thức, hiểu biết đến hành động thiết thực trong đại bộ phận dân cư trước sự kiệt quệ của “mẹ thiên nhiên” vẫn là một khoảng xa vời…
   
Nguyễn Cường