Đề xuất giải pháp quản lý đất bãi bồi vùng Đồng bằng sông Hồng
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 22/05/2014
(TN&MT) - Vùng đồng bằng ven biển khu vực cửa sông Hồng và sông Thái Bình có vị trí thuận lợi, gần các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước...
(TN&MT) - Vùng đồng bằng ven biển khu vực cửa sông Hồng và sông Thái Bình có vị trí thuận lợi, gần các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế song hiện khai thác chưa xứng với tiềm năng, chưa được đầu tư thích đáng để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, vừa qua Viện Nghiên cứu Địa chính, Bộ TN&MT đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở thực tiễn để đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý và bảo vệ đất có mặt nước bãi bồi ven biển vùng Đồng bằng Sông Hồng”, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp quản lý một vùng đất giàu tiềm năng của đất nước.
Tiềm năng lớn, quản lý lỏng
Khu vực bãi bồi, mặt nước ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng đang có xu hướng mở rộng về phía biển. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, diện tích tự nhiên tăng trung bình hàng năm lên khoảng 300ha. Vùng đất này có nhiều lợi thế cho việc nuôi trồng thủy sản. Diện tích có khả năng nuôi trồng vùng trung và cao triều vào khoảng 60.000ha, ngoài ra còn có các vùng kín gió với diện tích trên 40.000ha có thể đặt các lồng nuôi nhuyễn thể, cá có giá trị kinh tế cao.
Đây cũng là khu vực có tiềm năng phát triển rừng ngập mặn với diện tích đất bãi bồi ngập nước ven biển chưa sử dụng còn nhiều, đất ngập mặn phù hợp với việc trồng các loại cây trang, bần, sú, vẹt, đước… Cùng với đó là lợi thế phát triển du lịch với nhiều vùng bờ biển dài, bãi biển đẹp, giàu đa dạng sinh học và di tích lịch sử. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên biển, đảo, hang động với phong cảnh thiên nhiên và các giá trị văn hóa - xã hội vùng ven biển đã tạo cho du lịch vùng này có lợi thế nhiều so với các khu vực khác.
Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực thuận tiện phát triển giao thông trên biển và trên sông, thuận tiện cho việc xây dựng cầu cảng, hệ thống bến bãi, kho tàng cũng như hình thành và phát triển cảng biển lớn các khu công nghiệp tập trung du lịch và dịch vụ ven biển …
Tuy nhiên, việc quản lý bãi bồi, mặt nước ven biển của nhiều địa phương còn bất cập khi loại hình đất này vẫn chưa được tiến hành đo đạc, xác định diện tích, ranh giới trên các bản đồ địa chính. Nếu có cũng chỉ là các loại bản đồ nhỏ, không thể dùng cho việc quy hoạch và quản lý quy hoạch. Mặt khác, công tác lập quy hoạch sử dụng đất loại này cũng chưa đồng bộ, chủ yếu mới được đề cập một phần trong các quy hoạch chuyên ngành hoặc trong các dự án chi tiết.
Việc khai thác đất bãi bồi, mặt nước ven biển để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế còn kém hiệu quả. Chủ yếu là khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp, chặt phá rừng ngập mặn, đắp đầm nuôi thủy sản, san lấp mặt bằng lập các khu dân cư, du lịch… Nhưng, tất cả các hoạt động này hầu như mang tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân phối tài nguyên cho các mục đích phát triển khác nhau dẫn đến suy giảm hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển, sạt lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch, xâm phạm vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ô nhiễm mặt nước, ô nhiễm đất…
Giải pháp cho phát triển bền vững
Để quản lý sử dụng bền vững đất có mặt nước, bãi bồi ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng, các nhà khoa học đã đưa các giải pháp phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất dựa vào chức năng cung cấp và giải pháp kinh tế, kỹ thuật cụ thể cho từng vùng.
Theo đó cần tập trung triển khai lập quy hoạch phân vùng chức năng vùng bờ biển vùng Đồng bằng sông Hồng, lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất các vùng đặc thù, đặc biệt là các khu bảo tồn thiên nhiên có vị trí quan trọng trong nước và quốc tế như vùng Vườn Quốc gia Cát Bà, Xuân Thủy, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cửa sông Văn Úc, cửa sông Thái Bình, Thái Thụy, Tiền Hải, Nghĩa Hưng và tiến hành cắm mốc chỉ giới quy hoạch đối với vùng nghiêm cấm các hành vi khai thác và xả thải bừa bãi trong khu vực này.
Tăng cường các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường vùng đất bãi bồi, mặt nước ven biển bằng các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính đất bãi bồi ven biển, xác định ranh giới quản lý, giúp địa phương có sự phân chia vùng quản lý rõ ràng đối với các địa phương có mặt nước ven biển liền kề, thống kê, kiểm kê, đánh giá phân hạng thích nghi đất đai đối với một số các loại hình kinh tế nhất định; xây dựng dữ liệu tài nguyên bãi bồi, mặt nước ven biển nhằm sử dụng thống nhất cơ sở dữ liệu trong việc hoạch định các chính sách quy hoạch, phát triển ngành liên quan.
Đối với việc quai đê lấn biển, về lâu dài vẫn phải là chiến lược phát triển quỹ đất, tuy nhiên việc quai đê chỉ tiến hành khi đất bãi bồi đã đạt đủ cao trình cho phép và công trình quai đê phải thỏa mãn điều kiện tuyến đê đi qua vùng đất tương đối ổn định, nền đất sét hoặc á sét có chiều dầy không quá nhỏ đảm bảo độ chịu tải và độ lún cho phép. Tuyến đê đắp phải thỏa mãn điều kiện không gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường và hệ sinh thái cửa sông ven biển. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá tổng hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường của vùng ven biển, xây dựng hệ sinh thái lâm – ngư – nông kết hợp, tạo nên thế ổn định kinh tế của vùng đất ven biển.
K.Liên