Bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 08/05/2014

(TN&MT) - Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã, với việc ban hành nhiều văn bản luật, nghị định, tham gia nhiều công ước quốc tế...
(TN&MT) - Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã, với việc ban hành nhiều văn bản luật, nghị định, tham gia nhiều công ước quốc tế...
   
Nhiều loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ảnh: M.H
   
Gia tăng loài bị đe dọa
   
  Theo Sách đỏ Việt Nam, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã đang bị đe dọa của Việt Nam là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật). Trong đó, một số loài coi như đã tuyệt chủng như tê giác 2 sừng, tê giác 1 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà, hai loài lan hài. Giống cây trồng, giống vật nuôi của Việt Nam cũng đang đối mặt với sự suy giảm cả về số luợng và chất lượng. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý có giá trị cao về khoa học, bảo tồn và kinh tế đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một số giống vật nuôi bản địa đang bị đe dọa tuyệt chủng cao như lợn ỉ gộc, lợn ba xuyên, gà hồ... Trên thực tế, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể còn lớn hơn do danh sách loài được đánh giá mới chỉ là các loài có đủ nguồn thông tin cung cấp.
   
  Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, một trong những nguyên nhân là do việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh của các loài bị thu hẹp, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới sinh vật…  dẫn đến hệ lụy số lượng loài suy giảm.
   
  Mặt khác, hơn 10 trở lại đây, Cục Kiểm lâm ghi nhận hơn 18.000 vụ buôn bán động vật hoang dã, tịch thu gần 200 cá thể, tương đương gần 700kg. Theo ước tính, con số này chỉ chiếm 5 - 10% số lượng thực tế. Nhu cầu sản phẩm từ động vật hoang dã ngày càng tăng trong 20 năm qua do kinh tế phát triển, nhu cầu mua các sản phẩm xa xỉ cũng tăng theo.
   
  Trong khi đó, chế độ quản lý đối với các nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm cho đến nay vẫn còn chưa được quy định bao quát, đầy đủ. Chính việc quy định chế độ, phương pháp bảo vệ, quản lý loài còn thiếu, hoặc có nhưng chưa đầy đủ gây khó khăn cho việc giải thích, thực thi và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài sinh vật.
   
  Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ngày càng suy giảm; nhiều giống cây trồng, vật nuôi bị suy giảm nguồn gen, bị đe dọa tuyệt chủng hoặc thậm chí đã tuyệt chủng.
   
Từng bước xây dựng tiêu chí phù hợp
   
  Nghị định 160  được Chính phủ ban hành thời gian gần đây về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất đối với công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
   
  Nghị định 160 thay thế một số nội dung được quy định tại Điều 12, 13, 14, 15 và 16 Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học. Ngoài ra, chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/ NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ cũng sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này.
   
  Trên cơ sở đề nghị của Bộ TN&MT, Danh mục này sẽ được điều chỉnh, bổ sung định kỳ ba năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục. Theo nội dung Nghị định 160, loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải đáp ứng hai tiêu chí về số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng và  loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học; y tế; kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử theo quy định. Dựa trên các tiêu chí này, Nghị định xác định Danh mục gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng, 6 giống vật nuôi.
   
  Điểm đáng lưu ý là Danh mục có đến 69 loài động vật và 11 loài thực vật trùng với Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 32/2006; 6 loài trùng với Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển ban hành kèm theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT.
   
  Về chế độ quản lý loài, Nghị định phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, theo đó Bộ TN&MT được giao một số nhiệm vụ thẩm định; hướng dẫn việc điều tra, quan trắc, đánh giá tình trạng loài; chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục; Bộ NN&PTNT được giao các nhiệm vụ chính tương tự nhưng đối tượng áp dụng là các giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc Danh mục.
   
Phương Anh