Dự án Ngã 5 – Sân bay Cát Bi (Hải Phòng): Kéo dài ai khổ?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 22/04/2014

(TN&MT) - Cuối năm 1998 TP.Hải Phòng ra quyết định thành lập Hội đồng đền bù GPMB cho Dự án KĐTM Ngã 5, đến nay, “cỗ xe rùa” này đã có “tuổi đời” khoảng 15...
   
(TN&MT) - Cuối năm 1998 TP.Hải Phòng ra quyết định thành lập Hội đồng đền bù GPMB cho Dự án KĐTM Ngã 5 – Sân bay Cát Bi với quy mô 300 ha; 1.880 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng đền bù GPMB quận Ngô Quyền cũng được hình thành.
   
  Đến nay “cỗ xe rùa” này đã có “tuổi đời” khoảng 15 năm... Nhưng một Dự án lớn đang như bị “vùi” trong “trách nhiệm” nhỏ bằng những hình ảnh nham nhở bởi GPMB theo kiểu “xôi đỗ”. Và đặc biệt tình trạng lấn chiếm đất đã bồi thường GPMB hoặc xây dựng trái phép sau khi đã thực hiện kiểm đếm.
   
 Sau khi quận Ngô Quyền tiến hành kiểm đếm và đã thông báo nhận tiền đền bù, nhưng nhà xây trái phép trong quy hoạch Dự án như thế này không phải là ít.
   
  Một câu hỏi được nhiều người quan tâm đến Dự án đặt ra là, đến bao giờ Dự án KĐTM Ngã 5 – Sân bay Cát Bi mới được GPMB hoàn toàn? Và những cán bộ tiền nhiệm đã để lại “hậu quả” rất lớn là có rất nhiều hộ dân xây dựng trái phép sau kiểm đếm, lấn chiếm đất trái phép sau quy hoạch nếu được bồi thường, hỗ trợ là trái luật, còn nếu thực hiện đúng luật thì liệu có khả thi?
   
   
 Ở một nơi thuộc Dự án, một con mương đã được san lấp tự phát để nhường chỗ cho những căn nhà xây trái phép,  chiếm đất đã  quy hoạch.
   
  Do thiếu trách nhiệm quản lý nên dây cáp điện các loại thi nhau giăng mắc khắp nơi. Có những cây cột đèn bị kéo nghiêng. Những hình ảnh phản cảm này không những “đi ngược” lại thiết kế kỹ thuật của Dự  án mà còn phá hỏng các công trình khác. Đặc biệt là rất nguy hiểm khi các xe chở vật liệu xây dựng qua lại.
   
“Rác trời’’ hiển hiện khắp nơi trong khi theo thiết kế của khu đô thi hiện đại này thì các loại dây dẫn phải được chôn ngầm trong lòng đất.
   
  Để Hải Phòng trở thành thành phố loại I; trực thuộc Trung ương, Chính phủ đã quyết định cho xây dựng một KĐTM Ngã 5 – Sân bay Cát Bi hiện đại, đúng tầm. Nhưng đô thị này nhìn chung về mặt quy hoạch, kiểu mẫu kiến trúc, chiều cao xây dựng cũng chưa được “đúng tầm” như ý tưởng ban đầu của nó.
   
Tòa nhà 7 tầng mái bằng  mọc lên giữa những căn hộ 5 tầng mái vát không thể công nhận là một quy hoạch đô thị đẹp được.
   
  Một trong những nguyên nhân “kéo lùi cỗ xe” GPMB là người dân khó có thể tin tưởng rằng bàn giao mặt bằng cho Dự án lại có thể dễ dàng nhận được đất tái định cư. Có thể là những người có trách nhiệm còn chờ...một thứ gì đó (?!). Nhưng cỏ hoang đã mọc từ cả chục năm ở khu đất tái định cư trong khi “khổ dân” phải bỏ tiền túi ra thuê nhà từ nhiều năm. Sau khi chấp hành xong các quy định về GPMB và thực hiện các nghĩa vụ, người bị thu hồi đất phải làm đơn xin cấp đất TĐC. Theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP thì thời gian các cơ quan Nhà nước thụ lý và giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 50 ngày. Nói là vậy, nhưng thực tế có một số người dân “dài cổ” chờ, còn đất TĐC vẫn bỏ hoang kiểu “cơm treo, mèo nhịn đói”?!
   
Đây là một trong những khu đất TĐC của Dự án vẫn còn những  ô đất trống bỏ hoang nhiều năm.
 Người dân bị thu hồi đất nộp đơn “năn nỉ” xin cấp đất nhưng chính quyền “chưa vội” giải quyết... (?!)
   
   
  Nếu như Dự án trọng điểm KĐTM Ngã 5 – Sân bay Cát Bi bị “lãng quên” bởi sự “bào mòn” về trách nhiệm thì đó là một tổn thất lớn cho TP.Hải Phòng ngay hôm nay và trong tương lai. Vì vậy, dư luận cho rằng cần phải phát huy sự quản lý Nhà nước tại Dự án này thành phong trào mạnh mẽ mới có thể thúc đẩy “cỗ xe rùa” dường như đã hoen rỉ sau gần 15 năm ròng.
   
Văn Nguyễn