Đổi mới công nghệ trong khai thác khoáng sản: Yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp khai khoáng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/03/2014

(TN&MT) - Ngay từ bây giờ, nếu DN khai khoáng Việt Nam không quan tâm và tìm đường đầu tư công nghệ mới, hi vọng trụ lại với ngành sản xuất này là rất mong...
(TN&MT) - Ngay từ bây giờ, nếu  doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam không quan tâm và tìm đường đầu tư công nghệ mới, hi vọng trụ lại với ngành sản xuất này là rất mong manh...
   
Công nghệ, nâng giá trị tài nguyên
   
  Tài nguyên khoáng sản nước ta được đánh giá phong phú về chủng loại và nhiều về số lượng với khoảng 60 loại quặng ở hơn 5.000 mỏ điểm quặng. Trước khi Luật Khoáng sản được ban hành, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu do các Tổng Công ty, Công ty của Nhà nước thực hiện tại các mỏ đã được điều tra, thăm dò bằng nguồn vốn của Nhà nước như apatit, quặng sắt, than, đá vôi, sét làm nguyên liệu xi măng, thiếc, antimon, vonfram v.v ... với số lượng khoảng gần 200 mỏ, khu vực khai thác.
   
Các công ty giới thiệu đến doanh nghiệp trong nước những thiết bị hiện đại và phù hợp nhất với ngành khai khoáng nước ta.
    
   
  Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được thực thi đã tạo điều kiện phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoáng sản. Theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) lên đến hơn 2000 doanh nghiệp (năm 2010).
   
  Trong nước đã hình thành được một số Tập đoàn kinh tế, một số doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành khai thác khoáng sản như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam v.v…
   
  Từ năm 2000 đến nay ngành khai khoáng đóng góp được khoảng 11% tổng GDP/năm và gần 25% thu ngân sách hàng năm của Nhà nước, song chủ yếu là đóng góp của các Công ty Nhà nước, đặc biệt là Tập đoàn than - khoáng sản, còn đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân chẳng đáng là bao. Do vốn đầu tư ít, khai thác bằng phương pháp thủ công hoặc bán cơ giới là chính, nên trong quá trình khai thác, chế biến, doanh nghiệp tư nhân để lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường.
   
  Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, muốn khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững cần sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại để giảm hao phí tài nguyên, chống nạn đổ bỏ phế thải bừa bãi. Làm tốt được yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng đổi mới công nghệ và đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác.
   
Tiếp cận công nghệ - cầu nối thành công
   
  Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm VCCI chia sẻ: Thời gian gần đây các báo cáo tài chính và giới truyền thông đưa tin ngành công nghiệp khai khoáng nước ta không mấy khả quan nhưng các công ty với tầm nhìn xa đều nhận định đó chỉ là khó khăn tạm thời và với những cơ hội xúc tiến thương mại, trao đổi khoa học công nghệ, cơ hội tiếp cận tìm hiểu thực tế vận hành thiết bị tối tân của quốc tế, khai khoáng Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vị thế của mình là một trong số các ngành công nghiệp mũi nhọn của kinh tế nước nhà.
   
  Cuộc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp khai khoáng Mining Vietnam như cầu nối cho doanh nghiệp nội địa được tiếp cận các công nghệ hiện đại trong khai thác khoáng sản của các nước trên thế giới. Đây là lần thứ 2 Triển lãm về công nghiệp khai khoáng được tổ chức tại nước ta. Và sự quy tụ của hơn trăm thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp này trên thế giới tại Mining Vietnam 2014 (lần 2), phần lớn trong số họ đã có mặt tại Mining Vietnam lần 1 cho thấy sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đối với đối tác Việt Nam.
   
  Bà Lê Thị Kim Oanh, đại diện Công ty cổ phần máy công trình Phúc Long  đã chia sẻ lý do trở lại với Mining Vietnam 2014: Qua Mining Vietnam 2012 Phúc Long đã có nhiều khách hàng biết đến, và cũng đã duy trì để cùng hợp tác. Chúng tôi hi vọng nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành khai khoáng sẽ có hướng đi mới để phát triển mạnh mẽ trong tương lai."
   
  Bài và ảnh: Q.Minh
       Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản.