Năm 2014: Tập trung thanh tra vào lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 02/02/2014

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản.
   
Đó là khẳng định của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào. Theo đó, năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn đầu tư, tạm nhập tái xuất; công tác đảm bảo an toàn đối với hệ thống tín dụng; thanh tra việc sử dụng, quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các ngân hàng, DNNN và doanh nghiệp có vốn cổ phần của Nhà nước.
   
   
  Cụ thể, đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, sẽ tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước và việc chấp hành chính sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thuộc bộ quản lý. Trong đó, tập trung thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý sử dụng vốn, tài sản, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các sự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, dự án BOT, BT; chống gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế, hoàn thuế…
   
  Tại các địa phương, sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện trực thuộc trong công tác quản lý Nhà nước. Thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc địa phương. Thanh tra các chương trình, đề án phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh, nhất là việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA, BT, BOT, nguồn vốn ngân sách lớn…
   
   
  Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh. Chú trọng việc tổ chức thi hành trên 80% các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
   
  Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Đầu tư, xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công, công tác cán bộ… Đồng thời, chủ động thông tin kịp thời về những kết quả công tác, không để đưa thông tin sai sự thật, gây dư luận không tốt và hiểu không đúng và tình hình và những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
   
Theo Chinhphu.vn