TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/12/2013
Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được xây dựng trên cách tiếp cận đối với các điều kiện tự nhiên về địa chất, thủy văn...
Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được xây dựng trên cách tiếp cận đối với các điều kiện tự nhiên về địa chất, thủy văn... kết hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tuy nhiên vẫn chưa tính đến đầy đủ các rủi ro của BĐKH. Việc ứng phó với BĐKH trở thành thách thức quan trọng đối với quản lý quy hoạch đô thị TP.HCM.
Tại Hội thảo “Thích nghi và giảm nhẹ BĐKH – Các vấn đề và giải pháp cho TP.HCM” được tổ chức ngày 18/12, các đại biểu đều cho rằng, việc phát triển đô thị trong thời gian qua hầu như chưa xem xét thấu đáo các vấn đề về rủi ro khí hậu ảnh hưởng đến môi trường xây dựng và dân cư. Sự tập trung quá mức vào khu trung tâm thành phố gây quá tải hệ thống hạ tầng cũ chưa được cải tạo đồng bộ, gia tăng phát thải, ngập lụt và tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, các dự án phát triển khu đô thị mới trong giai đoạn tăng trưởng mạnh đã diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát chặt chẽ ở khu vực ngoại thành, làm thu hẹp diện tích đất tự nhiên, kéo giãn lưu thông đô thị. Chẳng hạn như, việc mở rộng nhanh chóng của các khu dân cư đô thị vào các vùng đất ngập nước là một trong những thách thức không nhỏ của thành phố.
Ngoài ra, các không gian xanh và đất thấm tự nhiên của TP.HCM thường bị mất trong quá trình đô thị hóa nhanh. Trong khi đó, các khu đô thị không được thiết kế để đối phó với sự tăng nhiệt độ sẽ đòi hỏi tăng cường sử dụng điều hòa không khí cơ học. Điều này không chỉ góp phần tiếp tục gây nên BĐKH mà còn làm tăng chi phí năng lượng tiêu thụ. Các xung đột tiềm tàng giữa thích ứng và giảm thiểu để đảm bảo tính bền vững của cộng đồng trong tương lai.
Như vậy, quy hoạch đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự ứng phó của thành phố với các hiểm họa về môi trường và BĐKH. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp ứng phó với BĐKH trong quy hoạch đô thị đối với TP.HCM vẫn còn đang được nghiên cứu và chưa được pháp lý hóa hoàn chỉnh vào các quá trình quy hoạch và thiết kế đô thị. Về mặt định hướng, trong Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung thành phố đã được xây dựng trên cách tiếp cận đối với các điều kiện tự nhiên về địa chất, thủy văn… kết hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
TP.HCM tập trung phát triển “quá mức” ở khu trung tâm đã gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó Phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cho biết: Trên cơ sở tiếp cận trên, Quy hoạch chung thành phố đã đề ra quan điểm và những nguyên tắc phát triển không gian đô thị theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các khu chức năng và sử dụng đất; điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn. Cụ thể: Khu vực kiến trúc cảnh quan có điều kiện thủy văn thuận lợi (huyện Củ Chi) với tiêu chí “vành đai sinh thái”, có vai trò là trục phát triển, bảo đảm môi trường sống có chất lượng cao. Khu vực kiến trúc cảnh quan có điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi (huyện Nhà Bè) với tiêu chí cơ bàn là “phát triển theo cụm”, nhóm nhỏ, hình thành mô hình đô thị có kiến trúc thấp tầng với tổ chức không gian dựa theo địa hình đặc thù sông nước. Cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 33.000 ha; trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ 75.000 ha; rừng phòng hộ, rừng đặc chủng thuộc địa bàn huyện Củ Chi khoảng 2.350ha… Cấm và hạn chế xây dựng trong khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè; đồng thời hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, cho đến nay thành phố chưa có các quy định hay hướng dẫn để cụ thể hóa các định hướng cơ bản liên quan vấn đề phù hợp điều kiện tự nhiên, hướng tới ứng phó với BĐKH trong quy hoạch chung thành phố xuống các cấp quy hoạch đô thị thấp hơn như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy các quy hoạch đô thị có tính ứng phó với BĐKH; mâu thuẫn giữa những tiêu chí quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH.
Vi vậy, TP.HCM cần sớm hiện thực hóa những quan điểm định hướng quy hoạch trên bằng việc thông qua hướng tiếp cận về thể chế, luật định; thu hẹp khoảng cách giữa quy hoạch đô thị theo chiêu chí ứng phó với BĐKH với lợi ích kinh tế bằng các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, các chính sách khuyến khích, ưu đãi… đối với các dự án quy hoạch đô thị theo hướng BĐKH… Đặc biệt, phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành để xác lập các chiến lược có giá trị cho thành phố, trong đó phải đặt quy hoạch của TP.HCM gắn liền với quy hoạch của cả khu vực vùng kinh tế Đông Nam Bộ.
Hội thảo quốc tế: Thích nghi và giảm thiểu BĐKH – các vấn đề và giải pháp của TP.HCM Ngày 18/12, Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Thích nghi và giảm nhẹ BĐKH – Các vấn đề và giải pháp cho TP.HCM” với sự tham gia của các chuyên gia và các tổ chức trong nước và các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ… Mục tiêu của Hội thảo nhằm xác định các vấn đề quan trọng trong công tác thích nghi và giảm thiểu BĐKH của TP.HCM giai đoạn 2014 – 2015 và 2016 – 2020; đề xuất và lựa chọn các giải pháp đột phá trong công tác thích nghi và giảm thiểu BĐKH trong điều kiện thành phố; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thích nghi và giảm thiểu BĐKH. Các chủ đề chính của Hội thảo gồm: Quy hoạch tích hợp; quản lý sử dụng nguồn nước và cấp nước; sử dụng năng lượng hiệu quả; giao thông vận tải thông minh; quản lý chất thải theo hướng tái sinh năng lượng và tái chế nguyên liệu; thích nghi và giảm thiểu BĐKH cho khu vực dễ bị tổn thương. Ngoài ra, tại Hội thảo còn có trưng bày giải pháp xanh bao gồm các mô hình, hình ảnh,…về các công nghệ tiên tiến, các giải pháp thích nghi và giảm thiểu BĐKH, cắt giảm phát thải nhà kính. NT |
Nguyễn Thanh