Cần có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/12/2013
Việc hình thành quá nhiều thủy điện ở cả nhánh chính và nhánh phụ đang gây nên những tác hại lớn cho môi trường hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Việc hình thành quá nhiều thủy điện ở cả nhánh chính và nhánh phụ đang gây nên những tác hại lớn cho môi trường hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, đặc biệt là tình trạng lũ chồng lũ, kiệt nước vào mùa khô càng kiệt hơn, tình trạng xâm nhập mặn... Ngoài ra, diện tích rừng bị phá để xây dựng hồ chứa thủy điện nhưng không được các chủ đầu tư phục hồi, bù đắp theo đúng cam kết.
Tại một Hội thảo bàn về các giải pháp bảo vệ chất lượng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mới đây, GS.TS Tăng Đức Thắng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, hiện trên dọc hệ thống sông chính và nhánh của sông Đồng Nai có 15 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động, bao gồm: hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh, Đồng Nai 1, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 8, hồ Dầu Tiếng, Trị An, hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Fu Miêng, hồ Phước Hòa… Các hồ thủy điện, thủy lợi có vai trò đảm bảo cấp nước đủ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; đẩy mặn vào mùa khô; cắt lũ vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì các hồ thủy điện, thủy lợi còn gây ra nhiều hệ lụy và những tác động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng môi trường.
Cần có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai .
GS.TS Phùng Chí Sỹ - Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết: Các hồ thủy điện, thủy lợi sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn sông, gia tăng khả năng xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường ở vùng hạ du, đe đọa đến sự vận hành bình thường của các nhà máy nước, đến các hệ sinh thái cửa sông và các hoạt động khác trên sông phía hạ nguồn. Đó chính là mối quan ngại rất lớn của các tỉnh, thành ở vùng hạ du. Vì lẽ đó cần phải dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình thủy lợi, thủy điện đến hạ du.
Việc vận hành, điều tiết nước của các hồ thủy điện, thủy lợi nếu không hợp lý sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mùa mưa lũ, nếu các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ thì sẽ xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ. Về mùa khô, các hồ thủy điện, thủy lợi giữ nước sẽ khiến nước mặn từ ngoài biển xâm nhập vào sâu bên trong.
Vì vậy, việc xây dựng quy trình vận hành hệ thống bậc thang thủy điện, thủy lợi trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là rất cần thiết cho việc điều phối chia sẻ nguồn nước và sử dụng tài nguyên nước hợp lý và hiệu quả cao trên toàn lưu vực.
Quy trình này sẽ được tích hợp với mạng lưới dự báo, cảnh báo sớm. Muốn làm được thế, về phía cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu, cân bằng được lợi ích kinh tế giữa các chủ đầu tư thủy điện; kiên quyết loại bỏ những thủy điện nhỏ, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, cần xử lý thật mạnh tay, truy cứu trách nhiệm với những nhà máy thủy điện xả lũ sai quy định.
GS.TS Tăng Đức Thắng cũng đưa ra một số gợi ý nhằm giảm nguy cơ ngập cho TP.HCM: Đối với hồ Dầu Tiêng, tăng dung tích phòng lũ vào các tháng giữa mùa lũ, bổ sung từ hồ Phước Hòa những tháng cuối lũ cho mùa khô năm sau, về sau có thể nghiên cứu nâng cấp hồ để tăng dung tích phòng lũ; với hồ Trại An, có thể dành thêm dung tích phòng lũ (vì đã có bổ sung nguồn nước vào mùa khô từ các hồ phía trên).
Nguyễn Thanh