Minh bạch trong Quản lý ngành khai khoáng: Không dễ!
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/12/2013
Ngành khai khoáng được coi là một trong những ngành chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
(TN&MT) - Ngành khai khoáng được coi là một trong những ngành chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Đáng nói, nguồn lợi tài nguyên khoáng sản vốn là tài sản quốc gia này đang trở thành nguồn lợi cho một nhóm người bởi sự thiếu minh bạch trong phương thức quản lý…
Tham nhũng cản trở minh bạch
Theo nghiên cứu thí điểm của Viện Tư vấn phát triển (CODE) với khai thác quặng ti-tan dọc các tỉnh ở miền Trung vừa công bố cho thấy: các doanh nghiệp (DN) hưởng 49-53% nguồn thu từ khoáng sản. Nhà nước chỉ hưởng 34% qua thuế, phí nhưng phải tái đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, môi trường, an sinh xã hội còn người dân địa phương nơi có khoáng sản chỉ hưởng 13%, chủ yếu từ công lao động.
Đáng lo ngại hơn, các khâu trong ngành khai khoáng (từ điều tra địa chất, cung cấp thông tin; thăm dò, công bố trữ lượng; cấp phép, khai thác và nộp ngân sách; sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và chi tiêu ngân sách...) đều có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển cho rằng tham nhũng có thể diễn ra trong bất kỳ giai đoạn nào của ngành khai khoáng. “Kết quả khảo sát các hành vi ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Cục Phòng, Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) năm 2011 cho thấy, chi phí doanh nghiệp phải trả cho tiếp cận thông tin là khá cao. Trung bình DN phải bỏ ra 178 triệu đồng, tối đa là 5 tỷ đồng. Trong đó 91% số cơ sở phải trả chi phí, 25 % phải chi từ 100 triệu đồng trở lên. Trong khi đó theo luật định, những thông tin này lẽ ra phải được công khai cho các cơ sở khai thác khoáng sản” – ông Tú dẫn chứng.
Lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản tiếp tay tham nhũng hoành hành
Về vấn đề cấp phép, ông Tú cho biết thêm, trước đây việc cấp phép không qua đấu giá nên tạo ra cơ chế xin – cho và nảy sinh tham nhũng. Còn hiện nay thông qua đấu giá nhưng không có định giá, vì vậy DN vẫn “nắm đằng chuôi” còn Nhà nước “cầm đằng lưỡi”, dẫn đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” dìm giá...
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương cho hay, khoáng sản là một trong bốn lĩnh vực tham nhũng tinh vi. Vì khối lượng khoáng sản nằm trong lòng đất, việc xác định khối lượng của nó có độ tin cậy không cao. Kết quả thăm dò nhiều khi không hoàn toàn chính xác. Điều tra cơ bản thậm chí sai số đến 100%. Điều này tạo nên những kẽ hở cho tham nhũng. Mặt khác, cần hiểu tham nhũng ở đây bao gồm cả gian lận thương mại, trốn thuế... Nguyên nhân là do pháp luật về thuế, về phân cấp quản lý nguồn thu cho địa phương còn nhiều bất cập, chế tài chưa nghiêm.
Tham gia EITI - có thật sự hấp dẫn?
Bà Clare Short, Chủ tịch Ủy ban EITI quốc tế làm việc tại Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp khai khoáng được xem là cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng, trên thực tế còn mang “truyền thống” tham nhũng, để lại không ít hoài nghi về sản lượng và giá trị thực. “Chính vì vậy, chúng ta cần sử dụng sự minh bạch để quản trị tốt ngành công nghiệp khai khoáng. Sự minh bạch ở đây có thể sẽ làm rõ nguồn thu, đẩy mạnh tiến trình cải cách một số quy định liên quan đến việc quản trị tài nguyên. Do đó, tôi hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào sáng kiến EITI,” bà Clare Short khuyến nghị.
Các chuyên gia quốc tế và trong nước cũng khẳng định EITI là một sáng kiến quan trọng, góp phần “ép” các công ty khai khoáng phải minh bạch, công khai các khoản chi cho Chính phủ và ngược lại Chính phủ cũng phải công khai các khoản thu từ các công ty khai khoáng. Khi tham gia vào sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI), các khoản thu của Chính phủ và khoản chi của doanh nghiệp (DN) sẽ được công bố và đánh giá độc lập trong báo cáo EITI. DNNN cũng không được loại trừ để tiền không bị chui vào những cái “túi không đáy”.
Việt Nam biết đến EITI từ năm 2007, đến năm 2010, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương tiếp cận nghiên cứu và đánh giá khả năng tham gia EITI của Việt Nam. Đến nay đã gần bốn năm, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được bước đầu tiên là có văn bản bày tỏ sự quan tâm đến EITI quốc tế. Ông Phạm Quang Tú cho rằng, đó là sự chậm chạp vì với trình độ của Việt Nam hiện nay, những khó khăn để gia nhập EITI có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, có lẽ không đơn giản như vậy. Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Quân: Hiện nay, EITI áp dụng vào Việt Nam thì có ưu điểm là minh bạch hóa được các khoản ví dụ như sản lượng khai thác được của các công ty là phải khai báo từ doanh thu cho đến các khoản nộp thuế đều phải khai báo. Tuy nhiên, để minh bạch công khai các khoản chi của Chính phủ là điều rất khó. Nên để tham gia EITI thì cơ chế chính sách, pháp luật của chúng ta cũng phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Đây là việc làm không dễ trong thời gian ngắn.
Con đường minh bạch hóa ngành khai khoáng hấp dẫn là thế. Song, đến bao giờ Việt Nam tuyên bố tham gia hiện vẫn còn chỉ dừng lại ở - “lời hứa”!
Bài và ảnh: Minh Anh