Để bùn đỏ trở thành tài nguyên
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 27/11/2013
(TN&MT) - Dưới góc nhìn của một số nhà khoa học, bùn đỏ lại là tài nguyên chứ không phải chất thải đáng nguy hại.
(TN&MT) - Lâu nay, câu chuyện Bùn đỏ đã làm nóng trên nhiều diễn đàn khoa học và sự quan tâm của dư luận khi người ta liên tưởng đến thảm họa có thể xảy ra với dự án bauxite Tây Nguyên. Nhất là thời gian gần đây, sau vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ khai thác titan của Công ty cổ phần đầu tư Khoáng sản và Thương mại ở Bình Thuận lạikhiến nhiều người lo ngại về tác hại của loại bùn này. Tuy nhiên, đứng dưới góc nhìn của một số nhà khoa học, bùn đỏ lại là tài nguyên chứ không phải chất thải đáng nguy hại. Và trên thực tế đã có nhiều công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam đã được nghiên cứu thành công.
Bùn đỏ - một mỏ sắt lớn
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên một tờ báo, TS.Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, bùn đỏ là chất thải công nghiệp độc hại là do lượng xút trong bùn đỏ quá lớn nhưng nó lại chứa tới 40% oxit sắt. Nếu biết cách chúng ta sẽ có một mỏ sắt lớn.
Về những lo ngại liên quan đến bùn đỏ từ khai thác bauxite, TS.Nguyễn Văn Lạng cho biết nếu chúng ta tách xút và dịch ở bùn đỏ ra một cách hoàn toàn thì đảm bảo bùn đỏ gần như là không còn độc hại. Trong bùn đỏ ngoài ô xít sắt để tạo ra sắt bọt, ly tâm xút để làm giàu quặng alumin, người ta còn sản xuất ra gạch không nung, gạch block dùng để lát nền cho các công trình, làm mặt cho các con đường qua bùn đỏ. Bên cạnh đấy, người ta có thể dùng bùn đỏ khi sử dụng công nghệ geopolitime để sản xuất ra các vật liệu phục vụ đời sống con người. Như vậy, gần như hoàn toàn chúng ta sử dụng hết những tác dụng của bùn đỏ để làm giàu cho chính chúng ta thông qua các công nghệ mới. TS.Nguyễn Văn Lạng khẳng định, khi công nghệ mới này được thương mại hóa thì bùn đỏ không ảnh hưởng gì đến môi trường cũng như đất đai, nó không còn là nguy cơ mà sẽ có lợi cho của con người. Chính phủ đã cho phép nhóm nghiên cứu cùng với công ty thép tham gia nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy để sử dụng bùn đỏ. Bùn đỏ trở thành nguyên liệu cho các tổ hợp sản xuất tiếp theo và hàng triệu lít xút được lấy ra từ bùn đỏ bằng ly tâm sẽ trở thành nguyên liệu phục vụ cho con người.
Xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải
TS. Nguyễn Trung Minh và cộng sự thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã sử dụng thành phần có ích của bùn đỏ để tạo ra một loại vật liệu mới, có khả năng xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải, thân thiện với môi trường. Xuất phát từ ý tưởng tận dụng thành phần có ích của bùn đỏ có khả năng hấp phụ cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện Việt Nam, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu công nghệ mới này.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Minh, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế tạo từ bùn đỏ hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay, đáp ứng được cả hai mục tiêu. Đó là giảm được lượng chất thải trong quá trình khai thác, chế biến bauxite, vừa tận dụng chất thải dư thừa trong khai thác, chế biến quặng tạo ra loại vật liệu có khả năng xử lý các ô nhiễm ion kim loại nặng, các chất độc hại khác trong môi trường nước. Đây là nhu cầu thực tế và bức xúc hiện nay tại các khu kinh tế Tây Nguyên và nhiều địa phương, như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và ven biển Miền Trung.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sự hấp phụ của vật liệu chế tạo từ bùn đỏ Bảo Lộc - Lâm Đồng với ion kim loại nặng Pb2+ và các thông số hóa lý, hấp phụ đẳng nhiệt khác, đã chỉ ra khả năng sử dụng bùn đỏ để xử lý ô nhiễm chất thải. Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về bùn đỏ để tạo ra sản phẩm xử lý nước thải, nhưng chưa đi đến khâu sản xuất thành phẩm. Từ nghiên cứu điều kiện ở Việt Nam, sản phẩm thực nghiệm sản xuất ra - giá chỉ bằng 1/10, nhưng có khả năng hấp phụ cao hơn của than hoạt tính đang bán trên thị trường từ 1,3 – 1,5 lần.
Hoàng Sơn