Nam Định đã có công cụ để quản lý nước ngầm hiệu quả

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/11/2013

(TN&MT) - Kết quả Dự án bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam là tiền đề, giúp cho tỉnh Nam Định quản lý tốt nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.
(TN&MT) - Ngày 19/11, tại Nam Định, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang Đức phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã tiến hành bàn giao các kết quả của Dự án tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam cho tỉnh Nam Định. Đây là Dự án được triển khai thực hiện vào tháng 6/2009 và dự kiến kết thúc vào tháng 6/2014.
  
 Tham dự Lễ bàn giao có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
  
Lễ ký biên bản bàn giao Kết quả Dự án IPGVN
  
 Ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN cho biết: Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ các giải pháp bảo vệ nước dưới đất tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Dự án cũng hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý Nhà nước và năng lực kỹ thuật chuyên môn cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước và các Liên đoàn trực thuộc. Dự án cũng thiết lập mối quan hệ giữa các Bộ, các cơ quan, đề án liên quan nhằm quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiệu quả hơn.
  
 Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, ông Tống Ngọc Thanh cho biết, Dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm Việt Nam (IGPVN) đã xây dựng thành công mạng quan trắc nước dưới đất có chất lượng cao và hiện đại tại tỉnh Nam Định, đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất.
  
 Trong thời gian 3 năm (từ tháng 9/2010 – T9/2013), Dự án IGPVN đã tiến hành xây dựng 10 trạm quan trắc với tổng số 19 giếng quan trắc, độ sâu tối đa 160m dưới mặt đất. Các giếng quan trắc này được tiến hành quan trắc ở 3 tầng chứa nước chính là Holocene, Pleistocene, Neogene. Dự án cũng tiến hành các chiến dịch lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nước. Cán bộ của Trung tâm QH&ĐT TNN và các cán bộ của Sở đã được tập huấn về các nghiệp vụ kỹ thuật liên quan đến thu thập số liệu từ mạng quan trắc. Đặc biệt, Dự án đã xây dựng được mô hình 3D về thấu kính nước ngọt theo thời gian.
  
  Theo ông Tống Ngọc Thanh, hiện tại, mạng quan trắc nước dưới đất tại Nam Định đã được vận hành tốt. Dữ liệu quan trắc đã phản ánh chi tiết số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước dưới đất tại Nam Định.
   
  Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án và cho rằng, đây là tiền đề tạo điều kiện tốt cho công tác quản lý nước ngầm nói riêng và công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung.
  
Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu chỉ đạo
  
 Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, Nam Định là tỉnh nhận được nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 Kết thúc Dự án IPGVN, Nam Định đã có hệ thống quan trắc cũng như mô hình khai thác nước dưới đất, những công cụ để kiểm tra, kiểm soát sự biến động nước dưới đất. Vì thế, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, sau khi dự án kết thúc, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để mạng lưới này được duy trì và tiếp tục phát triển.
  
 Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, trong bối cảnh thiếu nước hiện nay, vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia đang là mối quan tâm của các cấp các ngành, địa phương, đối với Nam Định là tỉnh cuối nguồn nên sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Để khắc phục những bất cập này, tỉnh cần triển khai nhanh chóng quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh và tăng cường truyền thông quán triệt quy định trong luật tài nguyên nước.
  
Các đại biểu tham dự Lễ ký kết chụp ảnh lưu niệm
Thúy Hằng