Phòng chống ô nhiễm trong hoạt động khai thác mỏ: Nhìn từ Nhật Bản

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 20/09/2013

Nhật Bản đã từng là một trong những nước khai thác quặng mỏ chính trên thế giới và chịu ảnh hưởng nặng nề từ ngành công nghiệp khai khoáng.
(TN&MT) - Nhật Bản đã từng là một trong những nước khai thác quặng mỏ chính trên thế giới và cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Nhận ra tầm quan trọng của vấn đề, Nhật Bản đã rất nỗ lực trong việc giải quyết hàng loạt hệ lụy từ ngành công nghiệp khai khoáng, cải thiện môi trường và trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này trên thế giới.
   
Pháp lý: Nhân t quan trng hàng đu
   
  Trước những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động khai thác mỏ, từ giữa thế kỷ 19, Nhật Bản đã ban hành các quy định khai thác mỏ, trong đó có quy định về phòng chống ô nhiễm trong hoạt động khai thác mỏ. Đặc biệt, Nhật Bản ban hành Luật quy định các biện pháp xử lý đặc biệt đối với ô nhiễm do khai thác mỏ kim loại. Luật đã đưa ra "Kế hoạch hành động cơ bản" để triển khai công tác phòng chống ô nhiễm tại các khu mỏ đã đóng cửa và bị bỏ hoang, bắt buộc các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải xây dựng kế hoạch phòng chống ô nhiễm lâu dài. Đồng thời, phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện trong cả quá trình khai thác cũng như sau khi ngừng khai thác dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. "Kế hoạch hành động cơ bản" bao gồm lịch trình thời gian, nội dung, số lượng và ngân sách cho các nhiệm vụ.
   
Dòng sông Kitakami trước năm 1974
    
   
  Ngoài ra, bộ Luật này đưa ra các biện pháp phòng chống ô nhiễm do khai thác mỏ. Các hoạt động phòng chống ô nhiễm phải đảm bảo lựa chọn phương pháp xử lý ô nhiễm thích hợp, cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí xử lý ô nhiễm.
   
  Với những quy định chặt chẽ trên, các công ty khai thác khoáng sản của Nhật Bản bắt buộc phải nộp các khoản thuế, phí môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Nhà nước cũng có những khoản trợ cấp cho cộng đồng địa phương hoặc các cá nhân có trách nhiệm thực hiện hoạt động phòng chống ô nhiễm do khai thác mỏ. Đối với các khu mỏ không có kinh phí thực hiện hoặc không thuê được đơn vị chịu trách nhiệm phòng chống ô nhiễm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 3/4 chi phí cần thiết cho hoạt động phòng chống ô nhiễm. Đối với các khu mỏ thuê công ty xử lý ô nhiễm, Nhà nước cũng hỗ trợ 3/4 chi phí xử lý ô nhiễm trong trường hợp nguyên nhân gây ra ô nhiễm không phải do hoạt động khai thác mỏ (thiên tai, lũ lụt...). Với những mỏ kim loại đã xây dựng công trình phòng chống ô nhiễm, nhưng sau khi đóng cửa mỏ, nước thải của khu mỏ có chứa chất độc vẫn thoát ra môi trường trong một thời gian dài, chủ mỏ phải đóng một khoản phí nhất định vào Quỹ dự phòng chống ô nhiễm do khai thác mỏ, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Cơ quan được thuê để thực hiện hoạt động phòng chống ô nhiễm, được sử dụng khoản tiền này ổn định và lâu dài.
   
Bài hc t thành công
   
Dòng sông Kitakami sau năm 2002
   
  Một trong những minh chứng thành công cho quyết sách đúng đắn của Nhật Bản đó là việc làm sạch dòng sông Kitakami (thuộc quận Tôhôku - tỉnh Iwate), một dòng sông từng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản của khu mỏ Matsuô. Sau khi khu mỏ Matsuô bị bỏ hoang, một lượng lớn nước thải chứa axít được thải ra sông Kitakami, gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt các loài động vật thủy sinh, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sống dọc theo bờ sông. Trước tình hình này, tháng 11 - 1971, chính quyền tỉnh Iwate đã đề xuất với Chính phủ thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nước sông Kitakami và tiến hành xây dựng Nhà máy Trung hòa nước thải chứa axít tại khu mỏ Matsuô bỏ hoang vào tháng 8/1976, với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước khoảng 10 tỷ 600 triệu yên mỗi năm để duy trì và vận hành nhà máy. Việc trung hòa nước thải được thực hiện bằng một hệ thống kết hợp giữa ôxy hóa vi khuẩn và trung hòa canxi cácbonát để cải thiện môi trường nước. Nước thải chảy qua các đường hầm thoát nước vĩnh cửu, toàn bộ bề mặt mỏ quặng lộ thiên được phục hồi và được phủ đất, trồng cây. Đường hầm làm bằng bê tông với một ống nhựa vinyl chloride cứng, tổng chiều dài là 322 m. Nước thải chứa axít được dẫn thẳng đến các bể tiếp nhận nước thải thông qua các ống nhựa, sau đó bơm vào bể phân phối. Ở phần trên của khu mỏ cũ, các kênh dẫn nước được thiết lập dọc theo sườn núi để thoát nước bề mặt và chảy vào công trường khai thác. Ở thượng nguồn của mỏ, các bờ kè của sông phủ bằng lớp lót bê tông ngăn nước sông xâm nhập vào đất. Nhà máy trung hòa nước thải được vận hành liên tục 24h/ngày, xử lý khoảng 9 triệu m3 chất thải chứa axít mỗi năm.
   
  Giờ đây, nước của dòng sông Kitakami đã trở nên trong xanh, đem lại sự sống cho các loài thủy sinh trong lòng sông, cuộc sống của người dân địa phương được cải thiện.
   
  Bài và ảnh: Minh Anh