Lai Châu: Xuất hiện vết nứt núi ở Phong Thổ

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/09/2013

(TN&MT) - Gần đây trên trảng núi ở phía đầu các bản Hợp 2 và Trung tâm xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) xuất hiện thêm một vết nứt núi mới.
   
(TN&MT) - Sau nhiều ngày mưa kéo dài, mới đây trên trảng núi ở phía đầu các bản Hợp 2 và Trung tâm xã Dào San (Phong Thổ - Lai Châu) xuất hiện thêm một vết nứt núi mới. Vết nứt rộng cả chục phân kéo dài hơn trăm mét như “tiện” cả một vạt núi nơi có gần 300 hộ dân ở 3 bản Hợp 2, Hợp 3 và Trung tâm xã đang “bám” trên sườn núi.
   
  Ông Ma Seo San - Chủ tịch UBND xã Dào San xác nhận: Không phải bây giờ mới xuất hiện vết nứt mà vết nứt này có từ khá lâu rồi. Năm nào mưa nhiều thì đất đá tụt xuống một tí khoảng 30 phân, năm nào ít mưa thì ổn định. Vừa rồi thấy bà con đồn rằng có thêm vết nứt mới, tô đã cho cán bộ xã đi kiểm tra tình hình thực tế và được báo lại rằng vẫn còn khá ổn định.
   
  Anh Phàn A Phử - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: Vết nứt lớn lắm. Hầu như bà con trong xã đều biết bởi xuất hiện từ lâu rồi. Người ta bảo, nếu chẳng may xảy ra lở núi thì cả 3 bản trung tâm xã có thể sẽ bị “tụt”, trôi xuống tận suối của xã Vàng Ma Chải. Cũng có hộ tính chuyện chuyển nhà nhưng rồi thấy tình hình không quá gấp, lại thấy người này người khác xây dựng ngày càng nhiều trong khi mặt bằng nơi ở mới chưa có, khó làm ăn nên chưa ai chuyển chỗ ở tránh nguy hiểm.
   
Anh Phàn A Phử đo miệng vết nứt
    
   
  Chúng tôi đến bản Hợp 2 trên con đường của…ngựa, trơn nhầy nhụa sau đận mưa dầm để tận mắt chứng kiến “miệng tử thần” nơi này. Cái lối đi chỉ rộng khoảng một sải tay nằm dưới tán rừng quanh năm chỉ “ngậm sương” mà không có nắng lại khấp khểnh dốc đèo nên dù chiếc xe máy của tôi thuộc loại tốt mà vẫn cứ ậm è xoay tít bánh mà chả trườn lên được tẹo nào. Mướt mồ hôi với những đẩy, những dắt, những tăng bo với con đường cuối cùng chúng tôi cũng đến đầu bản trong khi “đoàn nhà báo” bị rơi mất một phóng viên truyền hình vì đồ lề quá lỉnh kỉnh không “bò” vào được! Đứng từ đây, nhìn xuống, các bản trung tâm xã, Hợp 3 như thể nắm bùn vã vội trên lưng trâu.
   
  Chưa vội vào bản, anh Phàn A Phử chỉ xuống một ngôi nhà nằm khá thanh bình dưới chân dốc, cuối bản mà hỏi: Các anh có thấy căn nhà kia có gì lạ không? Chúng tôi còn ngơ ngác thì anh Phử đã nói luôn, cái mái của nó sắp chạm vào mặt đất ta luy hai bên trái rồi còn gì. Nhìn kỹ mới biết, ngôi nhà này nằm lọt thỏm giữa một nền đất mà đằng sau, hai sườn chỉ toàn là vách đất như thể được dựng dưới… ao hẹp. Anh Phử giải thích: Đó là nhà cảu anh Thào A Hảng, năm ngoái, mưa nhiều nhà anh ta bị sụt, trượt sâu như vậy đấy. Lúc đầu cái nền đất chính là phần đất hai bên trái, nhà sụt xuống thì mái nhà gần chạm tới nền cũ rồi. Chính quyền xã vận động mấy lần mà không chịu di dời. Không khéo phải cưỡng chế để bảo toàn tính mạng, tài sản…
   
  Tại bản Hợp 2 chúng tôi gặp ông Thào A Sùng - một người dân sống ở đây rất lâu năm. Dù không nói được tiếng phổ thông nhưng khi chúng tôi nói về việc tìm hiểu về vết nứt, ông Sùng hiểu ngay và chỉ ra phía đầu bản. Theo hướng chỉ của ông Sùng chúng tôi bắt đàu luồn rừng tìm cái “bản mặt thật của gã tử thần” đang thập thò ở đất này. Rừng sâu ẩm ướt và lút chân những rác, cỏ. Lâu lâu gió rừng như chơi trò ú tim, hù doạ những kẻ muốn khám phá thâm sơn nên đột ngột rung lá, tuốt sương từ tán cây mà ném những giọt nước lạnh như băng về phía chúng tôi.
   
  Dưới tán rừng dường như không có ánh nắng nên mùn ẩm thành bùn nhão nhoét gót chân và tiếng ối, a, suýt xoa vì trượt ngã của đoàn người cứ đều đều như đếm nhịp. Tuy Dào San không có nhiều rừng nhưng những năm gần đây bà con giữ rừng khá tốt. Khắp xã không còn trường hợp cháy rừng, việc chặt phá rừng hầu như không còn các hộ du canh du cư cũng đã an cư, lập nghiệp, thú rừng cũng bớt “chảy máu” vì bà con đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng…
   
  Khi hai “kẻ phá bĩnh” là mồ hôi và sương núi đã hoàn thành nhiệm vụ làm ướt chúng tôi, những bắp thịt như muốn thôi làm việc thì chúng tôi tới một điểm bằng giữa núi. Toan gieo mình xuống khối đá bằng thì tôi chợt nghe tiếng quát giật giọng: Đứng lại! Còn chưa hiểu thái độ của người dẫn đường, anh Phử đã đe: cẩn thận kẻo thụt xuống hố bây giờ. Hoá ra nơi tôi định nghỉ là một miệng vết nứt đã có hàng chục năm nay. Mỗi năm đất lún xuống một ít nên thành ra một miệng hố. lá khô, rác rưởi như muốn gài bẫy người rừng đã phủ một lớp lá, mùn lên mặt, không may xa xuống hố chẳng thương tích đầy mình cũng hú vía một phen. Anh Phử kể thêm: những vết nứt ở Dào San thì có từ lâu rồi, năm nào mưa to nó mới rộng thêm một tí. Có những miệng hố nuốt vừa cả con trâu. Những lúc mưa gió dù thì dù có xui cũng không ai dám liều mình “hiến thân” vào rừng này thế nên rừng càng ngày càng dậm.
   
  Từ đây những vết nứt bắt đầu xuất hiện, trên sường núi cứ thi thoảng lại có một cái rãnh, hõm đất rất… “vô duyên”. Có những vết nứt thẳng đứng theo vách đá cũng có những vết chạy ngang sườn núi được cây rừng che đi như muốn tăng phần bí hiểm. Đến một miệng trảng cây bụi lớn, anh Phử phải phát cây cối một hồi cái miệng hố mới hiện ra. Theo anh Phử, vết nứt này chạy từ đỉnh núi xuống, nó là một trong những vết nứt cũ nhưng thuộc hàng rộng nhất - tới gần 2m. Nhìn cái vết nứt rộng hoác kia tôi thật không dám hình dung tới cái chuyện chẳng may lở núi thì hàng triệu mét khối đất đá từ đây đổ xuống gần 300 ngôi nhà ở 3 bản…
   
Ông Lử chỉ vết nứt chia nửa ngôi nhà của mình mà ông mới trát lại bằng xi măng
    
   
  Chúng tôi rời núi sau khi chụp được ảnh “hung thần” giấu mặt, khi gặp lại ông Thào A Sùng mới biết ở núi này còn một vết nứt vừa mới xuất hiện trong trận mưa vừa qua, miệng vết nứt mới này rộng khoảng 10cm kéo dài xuống tới cuối bản.
   
  Tình trạng nứt, lún, trượt đất không chỉ có ở trên núi mà còn xuất hiện nhiều ở một số hộ dân ở bản Hợp 3. Mới đến đầu bản Hợp 3, anh Phử đã chỉ 1 ngôi nhà cũng bị trượt khỏi nền cũ đến cả chục mét. Chưa kịp hỏi đó là nhà ai thì một người đàn ông đi ngược hỏi anh Phử. Họ nói với nhau bằng tiếng địa phương nên tôi chẳng hiểu chỉ thấy đôi mắt anh Phử cứ nheo lại liên tục rồi anh quay lại: Đến nhà ông ấy! Nhà đó còn nguy hiểm hơn thế này. Chúng tôi theo chân người đàn ông đó về nhà. Ông tên Giàng A Lử (bản Hợp 3). Khi biết tôi là nhà báo, không kịp mời nước ông Lử đã chỉ ngay xuống cái nền nhà nửa đất nửa chít xi măng nham nhở: Nứt đấy, nứt ra tí nào tôi trát xi măng tí ấy. Nhìn nó bé thế này vì tôi trát liên tục nhưng cứ nhìn bức tường kia thì biết. Theo tay ông Lử tôi nhìn lên và… lạnh sống lưng. Bức tường nghiêng hẳn vào trong nhà cách xa hàng cột đến mấy chục phân. Ngồi trong nhà nhìn lên tôi vã cả mồ hôi hột khi biết đất này vừa có mưa kéo dài và chẳng may gặp cơn gió thì…Theo giải thích của anh Phử thì ngôi nhà có hướng nhìn xuống chân núi, đất trượt xuống chân núi kéo theo nửa trước của ngôi nhà đi xuống nên tường phía trước của ngôi nhà “mất chân”, đổ dần vào trong. Ở bản này còn có nhiều nhà bị như vậy.
   
  Tại đầu bản, những vệt sạt, lở, nứt đất xuất hiện nhiều. Có chỗ sạt cả một mé đồi, có chỗ đất tụt xuống cả mét kéo tạo thành bậc thang trên nương của bà con. Anh Phử thở dài: Nhiều người muốn chuyển nhà nhưng cũng có hộ còn lỳ lắm!
   
  Theo ông Ma Seo San - Chủ tịch UBND xã thì xã cũng đã thông báo cho người dân nhưng nhiều năm nay cuộc sống vẫn ổn định nên nhiều người chủ quan. Xã cũng mong các chuyên gia, các nhà địa chất, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tìm hiểu và có câu trả lời sớm nhất giúp xã và bà con yên tâm sinh sống.
   
  Bài & ảnh: Xuân Thi