Ngăn chặn gian lận trong xuất khẩu khoáng sản: Cần chế tài mạnh
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/09/2013
Việc Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho như quặng sắt, titan, chì, kẽm...
Việc Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho như quặng sắt, titan, chì, kẽm... xuất phát từ yêu cầu cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay một số DN lợi dụng chính sách ưu tiên này của Chính phủ dẫn tới gia tăng về gian lận thương mại trong xuất khẩu mặt hàng này.
Quặng lậu vượt biển ra nước ngoài
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2012, các đơn vị trong toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 4.354 tấn than và 733 tấn quặng các loại. Thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2013, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 3.487 tấn than và trên 6,4 tấn quặng các loại.
Tang vật thu giữ được chủ yếu là các loại than, khoáng sản không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giả mạo hồ sơ chứng từ, sử dụng giấy phép đã hết hiệu lực để xuất khẩu khoáng sản không đủ điều kiện tiêu chuẩn hàm lượng, không khai báo Hải quan đối với những loại khoáng sản có giá trị kinh tế lớn để xuất cùng với những loại khoáng sản có giá trị thấp đã được khai báo Hải quan. Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay trên tuyến đường biển là đối tượng sử dụng hình thức thuê vận chuyển nội địa để qua mặt cơ quan chức năng rồi xuất lậu quặng thô đi Trung Quốc.
Cơ quan chức năng xử lý tàu chở khoáng sản lậu
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định: Hoạt động xuất lậu quặng chủ yếu diễn ra ở vùng Đông Bắc và thị trường nhập quặng chính vẫn là Trung Quốc. Quặng xuất lậu chủ yếu là quặng sắt và titan được thu mua hợp pháp và không hợp pháp nhiều ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận. Nhất là thời gian gần đây, vấn nạn buôn lậu quặng khoáng sản bùng phát khi sản lượng quặng khoáng sản thô khai thác vượt quá năng lực chế biến trong nước, tồn kho khiến nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản lợi dụng kẽ hở của chính sách xuất khẩu, móc nối xuất quặng thô ra nước ngoài tìm lợi nhuận để tồn tại.
Siết quặng lậu bằng chế tài mạnh
Trước tình trạng “nóng” của việc buôn lậu quặng khoáng sản, Bộ Công Thương nhận định, những nguyên nhân dưới đây gây ra tình trạng xuất lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản: Biên giới nước ta dài và rộng, địa hình phía Bắc chủ yếu là rừng núi, một số ranh giới giữa 2 nước được phân cách bằng hệ thống sông suối tự nhiên, một bộ phận người dân nơi đây lấy việc thu gom khoáng sản xuất lậu hoặc bán cho đầu nậu xuất lậu sang Trung Quốc là nguồn sống chủ yếu. Công tác tuyên truyền pháp luật chưa gắn với giải quyết công ăn việc làm nên không hiệu quả; Nước bạn rất coi trọng việc thu hút nguồn khoáng sản láng giềng, chính sách thu mua linh hoạt, giá cao. Trong khi đó, giá bán nội địa Việt Nam có sự chênh lệch lớn với giá xuất khẩu; Công tác quản lý Nhà nước với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản còn hạn chế. Việc kiểm tra tình hình khai thác, kinh doanh và xuất khẩu khoáng sản chưa thường xuyên, liên tục; Chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo 127 các tỉnh biên giới đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường phối hợp trong công tác đấu tranh chống xuất lậu khoáng sản. Tuy nhiên, do địa bàn biên giới dài, địa hình phức tạp, khó kiểm soát trong điều kiện lực lượng chức năng mỏng, trang bị thiếu nên không thể ngăn chặn hết được; Việc đầu tư, chế biến sâu khoáng sản trong nước còn hạn chế; Công tác bảo vệ, quản lý các điểm mỏ chưa có chủ tại một số địa phương chưa được chú trọng, không ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép và xuất lậu từ các điểm mỏ trên.
Bình luận về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết, Bộ Công Thương cần rà soát số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, công suất, số lượng khoáng sản khai thác hàng năm, số nhà máy chế biến, tiêu thụ khoáng sản trong nước nhằm tránh tình trạng bất cập khoáng sản khai thác rồi không có nhà máy tiêu thụ hoặc không đủ nhà máy có năng lực chế biến sâu. Do vậy, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải tìm cách xuất lậu hoặc bán cho đối tượng chuyên nghiệp buôn lậu xuất qua ngoài biên giới.
Trên phương diện kiểm soát đường biển, đề xuất với Ban chỉ đạo 127/TW kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan, sớm có giải pháp quản lý chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, chế biến, hồ sơ vận chuyển quặng nội địa.
“Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản về xử phạt hành chính đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép ở biển theo hướng tăng mức tiền xử phạt lên gần bằng với giá trị hàng hóa mà đối tượng buôn lậu, mua, bán, vận chuyển trái phép, hàng hóa không có nguồn gốc. Bổ sung hình phạt tịch thu phương tiện tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng trái phép trên biển” – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Minh Anh