Đa dạng địa chất biển: Cơ hội phát triển du lịch địa chất tại Việt Nam
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/09/2013
(TN&MT) - Sau Vịnh Hạ Long và Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, di sản thiên nhiên thế giới...
(TN&MT) - Sau Vịnh Hạ Long và Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, di sản thiên nhiên thế giới, một lĩnh vực Du lịch mới đang rộng mở cơ hội cho sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam là du lịch địa chất với sự phát lộ của hàng loạt các yếu tố địa chất độc đáo cộng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đang làm bật lên giá trị của chúng.
Cực kỳ phức tạp và đa dạng về địa chất
Việt Nam được các nhà khoa học thế giới đánh giá là nằm trên vùng lãnh thổ (bao gồm cả phần đất liền và biển) cực kỳ phức tạp về các điều kiện địa lý và địa chất.
Điều kiện này đã tạo ra tính đa dạng địa học (geodiversity) vô cùng phong phú cho toàn bộ lãnh thổ nói chung và trên bờ biển nói riêng. Đa dạng địa học bao gồm cả các di tích địa học (geosites). Trong di tích địa học, người ta lại chia ra nhiều loại khác nhau, trong đó có di tích địa mạo (geomorphosites). Qua khảo sát thực địa trong qua trình thực hiện 2 đề án nghiên cứu khoa học lớn là "Điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn vùng biển nông ven bờ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000" do TSKH Nguyễn Biểu làm chủ nhiệm và Đề án "Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Nam Trung Bộ từ 0-30m nước ở tỷ lệ 1/100.000 và một số vùng trọng điểm ở tỷ lệ 1/50.000" do TS. Đào Mạnh Tiến làm chủ nhiệm, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, dưới tác động của các điều kiện tự nhiên đa dạng nêu trên đã tạo ra tính đa dạng địa học phong phú cho bờ biển và các đảo ở Việt Nam với quy mô rất khác nhau cả về không gian lẫn thời gian. Điều này đã tạo cho tài nguyên địa học tại Việt Nam rất đa dạng, phong phú có đầy đủ các cấp độ quy mô từ thế giới đến siêu khu vực, khu vực và địa phương. Theo đó, mức độ thế giới có vịnh Hạ Long - Bái Tử Long với hàng ngàn hòn đảo được pháttriển trên cả các đá trầm tích lục nguyên và trầm tích carbonat. Đặc biệt là các ngấn nước biển của đợt biển tiến sau băng hà lần cuối trên các đảo đá vôi.
Theo mức độ siêu khu vực có hệ thống các cao nguyên cát đỏ tuổi Đệ tứ ở Ninh Thuận - Bình Thuận. Các thành tạo Đệ tứ bở rời phủ trực tiếp lên các đá gắn kết tuổi Mezozoi bị các quá trình địa mạo hiện đại phá hủy để tạo ra những nét đặc trưng về địa hình: bóc, khe rãnh xâm thực, bồn thu nước, v.v.
Theo mức độ khu vực có các thành tạo núi lửa trong Kainozoi. Đó là các trầm tích vụn núi lửa ở đảo Cồn Cỏ, các miệng núi lửa Đệ tứ ở các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý…
Theo mức độ địa phương có rất nhiều các di tích địa học. Đó là hòn Con Cóc, hòn Lạc Đà, hòn Trống Mái trong vịnh Hạ Long; hòn Trống Mái ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), gành Đá Đĩa, núi Đá Bia (Vọng Phu) ở Phú Yên, Hòn Chồng (Nha Trang), Hòn Đỏ, hòn Đá Đen (Ninh Thuận), bãi cuội Bảy Màu, mũi Kê Gà (Bình Thuận), mũi Kỳ Vân, Nghinh Phong (Bà Rịa - Vũng Tàu), địa hình cuesta, Dinh Cậu trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang), v.v.
Ngoài ra, các bãi cát mịn và thoải, các vách đá, bãi mài mòn rải rác trên dọc bờ biển và trên các đảo ở Việt Nam cũng là các di tích địa học.
Các tài nguyên đa dạng địa học nêu trên đều là nguồn tài nguyên quý giá song không thể lấy, mang đi được như các loại tài nguyên địa chất khác. Nó sẽ phục vụ hoặc là trực tiếp, hoặc gián tiếp cho các giá trị quan trọng về đào tạo-nghiên cứu khoa học, thẩm mỹ, văn hóa và kinh tế-xã hội, đặc biệt là cho phát triển các loại hình du lịch tại Việt Nam.
Du lịch bền vững?
Trong những năm gần đây, du lịch bờ biển và đảo ở Việt Nam đã trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, đã mang lại một số kết quả về kinh tế và xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, doanh thu của ngành trong 3 năm gần đây có sự tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2008 doanh thu từ ngành này đạt khoảng 27.000 tỷ đồng thì năm 2009 là 69.000 tỷ đồng và năm 2010 đã đạt tới 96.000 tỷ đồng, trong đó,du lịch biển-đảo chiếm 70%.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn du lịch bờ biển và đảo ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, chỉ có một tỷ lệ nhỏ được quy hoạch. Song, nhìn chung, các hoạt động du lịch chưa hướng tới mục tiêu phải đạt được là phát triển bền vững. Phát triển du lịch còn mang nặng mục tiêu kinh tế, còn các vấn đề về xã hội và môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Phát triển du lịch nói chung, và du lịch bờ biển-đảo nói riêng chưa được xây dựng dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, trong các hoạt động du lịch, chưa coi trọng công tác bảo tồn đa dạng địa học. Trong khi đa dạng địa học là nền tảng quyết định đa dạng sinh học. Các hoạt động phát triển của con người trên bờ biển và đảo kết hợp với những tác động của biến đổi khí hậu (mực nước biển dâng, gia tăng cường độ và tần suất của bão) đang làm mất dần đi đa dạng địa học ở nhiều ví trí khác nhau.
Chính vì vậy, việc kết hợp phát triển du lịch đi đôi với xây dựng và bảo vệ các khu bảo tồn đa dạng địa học là vấn đề đang rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng như của toàn xã hội.
Anh Thư