10 năm Ngành Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng: Xây dựng đô thị xanh kiểu mẫu APEC
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 22/08/2013
Trải qua 10 năm kể từ ngày thành lập, ngành TN&MT TP. Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Trải qua chặng đường 10 năm kể từ ngày thành lập, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Không phải ngẫu nhiên, Đà Nẵng được công nhận là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” và APEC bình chọn là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng carbon thấp nhất, đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, trong đó có những nỗ lực, những đóng góp to lớn của ngành TN&MT Đà Nẵng.
Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành đô thị đủ năng lực, ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường. |
Đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp
Là một đô thị lâu đời nằm ven biển miền Trung, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ năm 1997. Tròn 15 năm phát triển, Đà Nẵng từ chỗ là một đô thị nghèo, thu ngân sách Nhà nước hạn hẹp đã có bước phát triển mạnh mẽ. 10 năm qua là một chặng đường chưa dài, nhưng ngành Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - chính trị - xã hội - an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố.
Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2003, các Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để đưa công tác quản lý đất đai dần đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Đến nay, đã hoàn thành việc lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) trên địa bàn Đà Nẵng và đã được Bộ TN&MT thẩm định, đang trình Chính phủ phê duyệt.
Trong những năm qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố được thực hiện khá nghiêm túc và ngày càng hoàn thiện, là công cụ pháp lý để Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Đà Nẵng có hiệu lực về tính pháp lý, khả thi và có hiệu quả trong việc triển khai, thực hiện.
Xác định công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là công việc trọng tâm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chính quyền tổ chức triển khai, các đoàn thể nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng của thành phố được tổ chức thực hiện khá thuận lợi và bài bản, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi, nên được đại đa số các tầng lớp nhân dân chia sẻ, đồng tình ủng hộ. Trong 10 năm qua, thành phố đã ra quyết định giao đất, cho thuê đất để triển khai 1.061 công trình, dự án với tổng diện tích 17.534 ha.
Diện mạo của Đà Nẵng hôm nay sẽ không thể có nếu thiếu đi sự đồng thuận của Đảng uỷ - chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Với hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để cùng chính quyền quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại và “đáng sống” là một minh chứng đầy sức thuyết phục.
Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường
Năm 2008, xuất phát từ ý tưởng xây dựng thành phố môi trường của Thành ủy Đà Nẵng, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đến năm 2020. Với việc xây dựng thương hiệu môi trường, đề án đặt ra nhiều tiêu chí về chất lượng môi trường không khí, môi trường nước và quản lý chất thải rắn. Phấn đấu đến năm 2015, 90% lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý; 50% chất thải thu gom được tái chế; 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch. Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường.
Trong bối cảnh đô thị hóa, sức ép về đất đai và các vấn đề môi trường đất nảy sinh, thành phố đã kêu gọi dự án tư nhân đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm hoả táng An Phước Viên, từng bước thay đổi thói quen hỏa táng thay phương thức địa táng truyền thống. Từ năm 2009 - 2012, thành phố đã giải quyết được 13/15 điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường theo đúng lộ trình của Đề án thành phố môi trường đã đề ra.
Đà Nẵng được đánh giá là một trong những đô thị sạch nhất cả nước nhiều năm liền, với tỷ lệ thu gom rác thải đến nay đạt 93%, tăng 11% so với thời điểm năm 2003, riêng tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị đạt 98%. Để phù hợp với định hướng phát triển dịch vụ du lịch của thành phố, năm 2012 Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Thu gom rác thải theo giờ” với mục tiêu “Hạn chế trên 50% số lượng các thùng rác đặt trên các đường phố khu nội thị và hạn chế tối đa 80% việc đặt thùng rác trên đường phố chính”. Đến nay, sau 13 tháng triển khai thực hiện đã đặt thùng và thu gom rác theo giờ được 41 tuyến đường chính trong thành phố, dự kiến hoàn thành Đề án trước năm 2015.
Bài và ảnh: Xuân Lam