Chạy đua xây dựng khu công nghiệp ở ĐBSCL- Lãng phí đất đai trầm trọng
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/08/2013
Sau một thời gian dài “chạy đua” quy hoạch, xây dựng các KCN,KCX nhưng hiệu quả thấp,vì vậy ĐBSCL đang bỏ hoang hàng ngàn ha đất, gây lãng phí đất đai rất lớn.
Sau một thời gian dài “chạy đua” quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); đến nay hiệu quả thu hút đầu tư thấp, các địa phương ở ĐBSCL đang bỏ hoang hàng ngàn hécta, gây lãng phí đất đai rất lớn.
Dân mất đất, dự án treo
ĐBSCL hiện có 51 KCN và khoảng 200 CCN với tổng diện tích đất theo quy hoạch lên đến 25.000ha. Tuy nhiên đến nay diện tích đất cho thuê chỉ hơn 20%. Số KCN lắp đầy chỉ đếm trên đầu ngón tay, nằm rải rác ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Đa số các KCN, CCN còn lại đang trong tình trạng quy hoạch treo, dự án treo kéo dài nhiều năm hoặc triển khai ì ạch, không giải phóng được mặt bằng, nên khó thu hút nhà đầu tư; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Điều đáng quan tâm là nhiều KCN, CCN đã chiếm diện tích đất biền (đất tốt) ven sông Tiền, sông Hậu nhiều năm qua nhưng làm ì ạch dẫn đến lãng phí rất lớn, gây bức xúc cho người dân.
Điển hình trong số này là KCN Thạnh Lộc quy mô 250ha (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), KCN Hưng Phú 2B (63ha) và KCN Hưng Phú 1 (262ha) ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, KCN Đông Bình 350ha (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long); KCN Sông Hậu gần 340ha (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), KCN Trần Đề 120ha (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)…
Tại các KCN này, tình trạng đất tốt bỏ hoang rất phổ biến. Nhiều dự án quy mô lớn sau khi rầm rộ khởi công rồi trùm mền để đó nhiều năm qua. Kéo theo là cuộc sống của người dân mất đất vì KCN không có việc làm mới, ăn hết tiền đền bù, cuộc sống trở nên bức bách hơn trước. Tiếc rẻ đất bỏ hoang và không có việc làm nên nhiều hộ đã vào “mượn tạm” để trồng rau màu, lúa để kiếm sống…
Người dân tiếp tục trồng lúa trong KCN Sông Hậu (Hậu Giang). Ảnh: HUY PHONG
Quy hoạch lại theo hướng liên kết
Trước thực trạng này, các tỉnh, thành ĐBSCL đang tập trung rà soát, điều chỉnh, thu hồi chủ trương, xóa các KCN, CCN cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của địa phương và cả vùng. Tại Cần Thơ, UBND TP vừa quyết định dừng chủ trương đầu tư xây dựng KCN Hưng Phú 2B và thu hồi 110/262ha đất KCN Hưng Phú 1 vì chậm triển khai. Phần đất thu hồi được chuyển mục đích làm cảng, logistics. Long An là địa phương dẫn đầu ĐBSCL với 470 dự án đầu tư (tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD) thế nhưng đây cũng là địa phương có nhiều dự án trong các KCN, CCN treo suốt thời gian dài. Từ đầu năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định thu hồi 12 dự án đầu tư với diện tích gần 1.000ha. Tính từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Long An đã thu hồi 94 dự án với tổng diện tích gần 6.000ha. Đa phần các dự án bị thu hồi đều do các nhà đầu tư chậm triển khai, không chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, không đảm bảo năng lực tài chính… Sau khi thu hồi, UBND tỉnh xem xét xóa quy hoạch, “trả” đất lại cho dân sản xuất nông nghiệp.
Các chuyên gia, nhà quản lý xác định, những hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng là cản ngại lớn trong việc thu hút đầu tư vào các KCN ĐBSCL, cần sớm được tháo gỡ trong tương quan mối liên kết vùng. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bức xúc: “Nếu luồng Định An mở ra cho tàu 20.000 tấn ra vào được sông Hậu thì ngay lập tức giảm 10% - 15% chi phí xuất khẩu; giá nông sản tăng lên nhờ tác động này. Đầu tư nước ngoài tuần tự 5 - 7 năm sẽ vào lấp đầy các KCN đang bỏ trống hiện nay”…
KCN Hưng Phú 2B (Cần Thơ) nhiều năm không giải phóng được mặt bằng. Ảnh: HUY PHONG
Theo tính toán, để có một hécta đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân không dưới 4 tỷ đồng. Tính ra, với khoảng 10.000ha đất KCN, CCN đang bị bỏ trống nhiều năm qua, các tỉnh, thành trong vùng đã lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí này.
Theo Bình Đại (SGGP)