Bạc Liêu: Bảo vệ môi trường và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương

Biển đảo - Ngày đăng : 11:20, 28/05/2019

(TN&MT) - Bạc Liêu là địa phương được chọn là điểm mở đầu “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày Đại dương thế giới; Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2019”. Trong suốt thời gian cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn ra chuỗi các hoạt động như: Mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Diễn đàn Kinh tế biển, Triển lãm tranh ảnh đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi về biển, trồng cây ven biển… Trước thềm sự kiện sắp diễn ra, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xung quanh các nội dung này.
ong Trung Bac Lieu
Ông Dương Thành Trung -
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Lồng ghép các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã

PV: Được biết, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày Đại dương thế giới; Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 do UBND tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức. Xin ông cho biết cụ thể về những nội dung, thời gian và các hoạt động diễn ra tại sự kiện này?

Ông Dương Thành Trung: Ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu được chọn là điểm tổ chức sự kiện, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo tích cực cho các Sở, ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, nhằm từng bước chủ động triển khai thực hiện các công việc cho sự kiện theo kế hoạch. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị cơ bản một số công việc để phục vụ cho chuỗi sự kiện được diễn ra vào 2 ngày 31/5 và 1/6/2019.

Ngày 10/5, tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ trong thời gian qua.

PV: Bạc Liêu được biết là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển. Vậy đâu là giải pháp trong việc bảo vệ môi trường (BVMT), chống tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng vùng ven biển, thưa ông?

Ông Dương Thành Trung: Thời gian qua, để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng vùng ven biển, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về Tăng cường ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020 nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH. Hiện, tỉnh Bạc Liêu đang tiến hành cập nhật kịch bản BĐKH, trong đó, lồng ghép xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã.

Bên cạnh đó, xây dựng và củng cố hệ thống đê biển; bao gồm các công trình đê, cống, cống đập trụ đỡ, kè chống sạt lở cửa sông ven biển, kè ngầm, đê ngầm...; xây dựng các tuyến đê sông, đê cửa sông, đưa vào sử dụng hệ thống cống phân ranh mặn ngọt giữa tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng để đáp ứng được điều kiện BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 công trình cống đập trụ đỡ Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng, Huyện Kệ để đảm bảo ngăn triều cường, chống bồi lắng phù sa cho khu vực Nam Quốc lộ 1A.  

Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai khu vực ven biển. Đến nay, hệ thống này đã đưa vào sử dụng có hiệu quả 3 trạm đèn tín hiệu báo bão ven biển, hiện, tỉnh Bạc Liêu đang phối hợp với Trung ương xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ven biển tỉnh Bạc Liêu.

T5
Kè Gành Hào là công trình quan trọng của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Chí

Riêng về giải pháp cho thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý thức chủ động ứng phó BĐKH, các chương trình quốc gia về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô zôn. Đồng thời, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhất là các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, ni lông khó phân hủy.

Hướng dẫn người dân xử lý rác sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình và hỗ trợ các xã trên địa bàn huyện thực hiện các mô hình ủ phân Compost bằng thùng Compisite; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH như thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phù hợp BĐKH; tổ chức, triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở đất tại các khu vực cửa sông, ven biển.

Thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi vùng sản xuất phù hợp với BĐKH. Triển khai các chương trình quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, trồng cây xanh ven biển; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, như kè cửa sông, nạo vét kênh mương, gia cố và nâng cao các tuyến đường giao thông…

Tăng cường kiểm tra các công trình ngăn mặn, kịp thời gia cố các công trình xung yếu có khả năng chịu ảnh hưởng của triều cường, theo dõi chặt chẽ các đợt triều cường theo lịch thông báo của tỉnh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở có phát sinh nguồn thải lớn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực ven biển, đặc biệt, các cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh vùng ven biển; phối hợp với các đơn vị cơ liên quan tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm nâng cao công tác bảo tồn hệ sinh thái ven biển gắn với BVMT, chống sạt lở vùng ven biển.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cùng các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tập huấn triển khai các mô hình về BVMT cho các ngư dân, các hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn các huyện, thành phố ven biển.

Giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa

PV: Chủ đề của chuỗi sự kiện biển, đảo năm nay là “Giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa”, tỉnh Bạc Liêu có những hành động gì nhằm góp phần nâng cao nhận thức về BVMT?

Ông Dương Thành Trung: Từ tháng 10/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch về việc phát động Phong trào chống rác thải nhựa và lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy để BVMT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Để tiếp tục hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào chống rác thải nhựa trong từng đơn vị, với từng công việc cụ thể, thiết thực.             

Theo đó, ở các siêu thị trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” đến cán bộ và nhân viên vào các buổi họp để nâng cao nhận thức được sự nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường; đọc loa tuyên truyền đến khách hàng khi tham quan mua sắm tại siêu thị vận động khuyến khích khách hàng dùng túi môi trường xanh Co.op Mart hoặc có thể xách giỏ đi chợ của gia đình vào siêu thị để mua sắm.

Bên cạnh đó, tổ chức phong trào thu gom rác thải nhựa trong khuôn viên trường học, khu vực dân cư xung quanh trường học; tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, nói không với sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không sử dụng túi ni lông; vệ sinh và phân loại rác thải túi ni lông, rác thải hữu cơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý.

Vận động các hợp tác xã (HTX) phát động phong trào và huy động sự tham gia của thành viên và người lao động của HTX trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Xách giỏ đi chợ hạn chế sử dụng túi ni lông và phân loại chất thải túi ni lông khó phân hủy tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.

Đồng thời, treo băng rôn, pano, áp phích, lồng ghép Phong trào “Chống rác thải nhựa” vào các hoạt động BVMT, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực gắn với tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tiêu chí môi trường trong việc xây dựng phường văn minh đô thị, xã nông thôn mới.

PV: Nhân dịp tỉnh Bạc Liêu tổ chức sự kiện về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ông có thể cho biết thêm về nhiệm vụ của địa phương trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương?

Ông Dương Thành Trung: Đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, ngày 8/4/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh năm 2019. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ  trọng tâm là:

Gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; bảo đảm việc đầu tư phát triển các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội phải góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh.

Tiếp đó, tỉnh chủ động quan hệ với các tỉnh lân cận như: Sóc Trăng, Cà Mau xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh, BVMT và hoạt động khai thác, đánh bắt, mua bán thủy sản trên biển...

Ngoài ra, tỉnh kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự khu vực ven biển.

Tỉnh xây dựng các lực lượng, phương tiện đánh bắt hải sản thành những tổ, đội khai thác vừa làm nhiệm vụ khai thác hải sản, BVMT biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh vùng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!