Bộ TN&MT: Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển
Biển đảo - Ngày đăng : 10:31, 09/04/2019
Lập cơ sở dữ liệu quan trọng, toàn diện về môi trường biển
Việc sử dụng hợp lý tài nguyên biển, cũng như xây dựng chính sách quản lý tài nguyên, môi trường biển theo hướng phát triển bền vững rất cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ, tin cậy về hiện trạng môi trường biển, chính vì lý do này, công tác điều tra hiện trạng tài nguyên môi trường biển đã sớm được lồng ghép trong các dự án điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường biển từ những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, khi thực hiện Đề án Điều tra tổng thể TNMT biển mà Bộ TN&MT chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan thực hiện cũng xác định đây là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.
Kết quả đã được điều tra lồng ghép trong các dự án điều tra về tổn thương TNMT biển và các dự án điều tra địa chất khoáng sản ở toàn đới ven biển Việt Nam, tại 16 khu vực trọng điểm và vùng biển xung quanh 9 đảo/cụm đảo cách bờ đảo đến 6 km. Điều tra rộng khắp vùng biển Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ở độ sâu từ 30 - 60m và vùng biển Việt Nam từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định ở độ sâu từ 0 - 60m. Hiện, đã cung cấp số liệu, báo cáo và các bản đồ về đặc điểm hiện trạng môi trường nước biển, hiện trạng môi trường trầm tích đáy biển, địa chất môi trường, cùng với kết quả đó là kết quả về các yếu tố hải văn, địa chất khoáng sản vùng biển Việt Nam.
Cụ thể, đến nay, chúng ta đã có được bộ số liệu và bản đồ hiện trạng môi trường nước biển tỷ lệ 1/50.000 cho 16 vùng trọng điểm và cho vùng biển xung quanh 9 đảo/cụm đảo và bản đồ tỷ lệ 1/100.000 cho vùng biển Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ở độ sâu từ 30 - 60m kèm theo là các báo cáo phân tích, đánh giá. Thông qua kết quả điều tra cho thấy, môi trường nước biển khu vực đới ven bờ biển và ven bờ các đảo, cửa sông, cảng biển, vịnh, khu đô thị do ảnh hưởng của nước thải, chất thải nguy hại từ các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, từ hoạt động nông nghiệp, từ sinh hoạt, làng chài… chưa qua xử lý đổ thải ra biển nên gây ô nhiễm vùng nước biển ven bờ, đặc biệt, tại các đô thị ven biển. Tại các khu vực này, có hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) cao, ô nhiễm bởi chất hữu cơ, hàm lượng kim loại (Zn, Cd, Mn, Pb), dầu mỡ do các hoạt động giao thông vận tải, du lịch trên biển đang có xu hướng tăng; đối với vùng biển xa bờ, chất lượng nước biển vẫn đạt yêu cầu.
Đánh giá mức độ tổn thương và phân vùng quy hoạch
Dựa vào các kết quả điều tra trầm tích đáy biển, đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng được bộ bản đồ về địa chất môi trường biển tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000 cho vùng biển Việt Nam, kèm theo các báo cáo phân tích, đánh giá. Thông qua công tác điều tra này đã làm rõ đặc điểm địa chất, trầm tích đáy, địa hóa môi trường, cấu trúc địa chất, địa động lực, tai biến địa chất (động đất, sóng thần, xói lở bờ biển, biến động luồng lạch), các tai biến liên quan đến khí nông… Trên cơ sở đó, đã tiến hành phân vùng địa chất môi trường cho các vùng biển điều tra phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để các địa phương dựa vào đó, xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển của địa phương mình.
Cùng với việc đánh giá địa chất, môi trường đáy biển, các phân tích cũng đưa ra kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm do tai biến các vùng biển; mật độ đối tượng bị tổn thương các vùng biển; khả năng ứng phó của hệ sinh thái từng khu vực, từ đó, đề xuất hệ thống sát TNMT biển bằng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý.
Kết quả dự án đã xây dựng được 317 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/50.000 về lớp phủ bề mặt (landcover) vùng ven biển và các đảo nổi gần bờ biển Việt Nam, trong đó, phần đất liền ven biển được lấy đến 25km tính từ đường bờ biển trở vào, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do vùng ảnh hưởng của nước biển vào sâu nên có thể lấy đến 35km. Ngoài ra, đã cung cấp các thông tin về nước mặt, thảm thực vật, khu dân cư, cơ sở kinh tế - xã hội và nhiều hợp phần môi trường thiên nhiên như: Biến động bờ biển, lòng sông, biến động rừng ngập mặn, diễn biến rừng, biến động lớp phủ mặt đất và sử dụng đất (ở một số vùng), bản đồ nhạy cảm môi trường dải ven biển để phục vụ cho công tác đánh giá diễn biến, biến động của tài nguyên và môi trường biển.
Đồng thời, chúng ta xây dựng 3 Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các Trung tâm được thành lập và hoạt động khá hiệu quả thông qua việc phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện về phương pháp đánh giá ô nhiễm tràn dầu trên biển, xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và bước đầu đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường; tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng Vịnh Thái Lan…
Việc từng bước thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, bám sát các mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp đầy đủ, toàn diện các giải pháp, cơ sở dữ liệu và đề xuất phương án tối ưu cho hoạt động quản lý, giám sát TNMT biển một cách khách quan, khoa học, tin rằng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu xây dựng nền kinh tế biển xanh trong thời gian không xa.