Lan tỏa rộng lớn tình yêu với biển đảo

Biển đảo - Ngày đăng : 10:20, 28/05/2019

(TN&MT) - Với tư cách là một quốc gia biển, đặc biệt, kể từ năm 2015 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ban hành đã quy định tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm mang tính chất quốc gia để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và các sự kiện lớn trong nước, quốc tế. Năm 2019, Lễ kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với Chủ đề “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans) được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, hứa hẹn mang lại sự lan tỏa rộng lớn tình yêu với biển, đóng góp nhưng ý tưởng sáng tạo vào sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước...

Lan tỏa nhận thức - đóng góp sáng tạo vào việc bảo vệ môi trường biển

Năm 2019 là năm thứ 11 Bộ TN&MT tổ chức sự kiện này. Đây cũng là sự kiện gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành, Nghị quyết mang ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những mục tiêu và hành động cụ thể cho sự phát triển bền vững kinh tế biển trong tương lai.
Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về những nội dung liên quan của Nghị quyết số 36-NQ/TW được đề cập đến trong sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2019.

Anh Thi
Ông Tạ Đình Thi - 
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam 

PV: Thưa ông, được biết tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam có một sự kiện quan trọng đó là Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vậy đâu là vấn đề cốt lõi sẽ được chuyển tải trong Hội nghị lần này?

Ông Tạ Đình Thi: Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho từng lĩnh vực về: kinh tế biển; xã hội; khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các chỉ tiêu tổng hợp.

Đây là một Chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn tới với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể.

Tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần này, Ban Tổ chức dự kiến tổ chức một chuỗi các sự kiện, trong đó, có Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về biển, đảo nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng, các thông điệp của Liên Hợp Quốc đến các cấp, các ngành, cộng đồng, tạo tính lan tỏa trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chủ quyền biển đảo quê hương cho toàn xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm, kêu gọi các Bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng và người dân đóng góp những ý kiến sáng tạo, mang tính chất đột phá vào Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện năng lực triển khai, điều kiện thực hiện của từng Bộ, ngành, địa phương.

vnp truong sa 4
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trao tặng quà lưu niệm cho cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông đầu tháng 5/2019 - Ảnh: Hùng Võ -TTXVN


Cụ thể hóa các hành động

PV: Như vậy, có thể nói, Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đang được xem là vấn đề có tính chất then chốt trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển. Vậy việc xây dựng kế hoạch này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Ông Tạ Đình Thi: Nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, những chủ trương lớn, một số khâu đột phá và giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT và Bộ giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì xây dựng Kế hoạch. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nỗ lực tiến hành nhiều hoạt động, liên lạc, trao đổi, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương và tập hợp đội ngũ chuyên gia tích cực triển khai các hoạt động xây dựng Kế hoạch.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Bộ, ban, ngành và địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học, Tổng cục đã hoàn thiện Dự thảo lần cuối Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để trình Bộ TN&MT trình Chính phủ phê duyệt.

phu quoc
Đóng góp ý tưởng sáng tạo vào sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển. Ảnh: MH


PV: Ông có thể cho một vài nhận xét, đánh giá về chất lượng các ý kiến đóng góp của các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương vào kế hoạch lần này? Dự thảo kế hoạch đã nêu bật được nội dung quan trọng nào để giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu mà Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đặt ra?

Ông Tạ Đình Thi: Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, hiện nay, chúng ta đã xác định được một số đề án, dự án, nhiệm vụ mang tính chất đột phá, quan trọng, bảo đảm tính cấp thiết, liên vùng, liên ngành, đảm bảo yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước; bảo đảm thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề ra 6 Nội dung và giải pháp chính cho Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, gồm có: Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. 

Từ những nội dung và giải pháp chính, các Bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra những giải pháp mang tình cốt lõi của địa phương, ngành mình, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, có những chỉ số đánh giá cụ thể để đảm bảo định lượng được những kết quả đã hoàn thành, đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!