“Gỡ vướng” cho xây dựng quy hoạch không gian biển

Biển đảo - Ngày đăng : 10:33, 28/02/2019

Tiêu chí và công nghệ
(TN&MT) - Những vấn đề về xây dựng quy hoạch không gian biển Việt Nam vừa được các chuyên gia trong  nước và nước ngoài cho ý kiến.
T8
Các Bộ, ngành và địa phương có biển xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên quan đến việc sử dụng không gian biển. Ảnh: MH

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục tiêu cụ thể mà Quy hoạch không gian biển Việt Nam hướng đến là: Giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần bảo vệ, bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên, các sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời khai thác, sử dụng không gian biển hiệu quả, lâu bền trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Từ đó làm căn cứ, cơ sở pháp lý để của các Bộ, ngành và địa phương có biển xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến việc khai thác, sử dụng không gian biển

Theo đó, phạm vi không gian bao gồm vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và các hải đảo của Việt Nam. Phạm vi thời gian: Quy hoạch được lập đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện đối với mỗi kỳ quy hoạch là 5 năm. Các sản phẩm cụ thể của quy hoạch không gian biển đó là: Định hướng bố trí sử dụng không gian biển cho các hoạt động trong các vùng đất ven biển, vùng biển và hải đảo của Việt Nam, xác định các vùng và phân vùng sử dụng không gian biển; lập bản đồ phân vùng không gian biển; xây dựng và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch; đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch không gian biển; bản đồ Phân vùng không gian biển quốc gia đến năm 2050: tỷ lệ1/1.000.000.

Để đạt được các mục tiêu và kết quả dự tính này, theo các chuyên gia, hiện, Việt Nam rất thiếu các “dữ liệu đầu vào” cho việc xây dựng quy hoạch; đặc biệt dữ liệu để tính toán ở mỗi vùng cụ thể, thời điểm nào nên sử dụng vào mục đích gì. Việc này cần phải “định lượng” cụ thể và có tính khoa học, không thể quy hoạch theo “định tính”. Bên cạnh đó, vấn đề về công nghệ cũng là một nguyên nhân hết sức quan trọng như: Cần phải sử dụng phần mềm nào, trên hệ thống nào để có thể nhập cơ sở dữ liệu và cho ra một kết quả có độ chính xác cao nhất cũng là vấn đề rất lúng túng, chưa tìm được công nghệ phù hợp.

Về vấn đề này, ông Alejandro Iglesias - Campos - đại diện IOC-UNESCO tại Việt Nam cho biết: Trên thế giới đã có rất nhiều nước xây dựng thành công quy hoạch không gian biển nên vấn đề công nghệ không phải là nhân tố khó khăn. Các chuyên gia thuộc UNESCO đã giúp nhiều nước xây dựng thành công quy hoạch không gian biển có thể đề xuất phần mềm công nghệ trong xử lý các dữ liệu, giúp cho việc xây dựng quy hoạch không gian biển Việt Nam

Còn về thông tin dữ liệu đầu vào, không phải quốc gia nào xây dựng thành công quy hoạch không gian biển và quản trị tốt đại dương cũng có đầy đủ cơ sở dữ liệu, mà chỉ cần xác định những cơ sở dữ liệu nào là mấu chốt, quan trọng nhất để đưa vào thực hiện, sau đó sẽ dần hoàn chỉnh. Vấn đề này, phía UNESCO sẽ giúp Việt Nam về mặt mời các chuyên gia và các nhà khoa học tập huấn và gợi ý những vấn đề cần xác định trọng tâm.

Đề xuất chương trình hỗ trợ

Để những hỗ trợ từ phía UNESCO đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng quy hoạch không gian biển Việt Nam, chuyên gia thuộc Chương trình điều phối bộ phận Khoa học tự nhiên của UNESSCO đã đề xuất ý tưởng Chương trình hỗ trợ thực hiện quy hoạch không gian biển cho phía Việt Nam với mục tiêu cụ thể là: Tăng cường năng lực thể chế trong lĩnh vực quản trị biển và quy hoạch không gian biển; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về biển và đại dương; đẩy mạnh hợp tác với đối tác tư nhân. Trong đó, nêu rõ 3 kết quả dự kiến quan trọng đạt được: Tăng cường năng lực thể chế về quản trị hải dương và quy hoạch không gian biển trong nước; thiết lập hệ thống dữ liệu khoa học cho quy hoạch và quản lý biển và ven biển được thành lập; tăng cường năng lực về Quy hoạch không gian biển và nâng cao nhận thức và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển.

Đối với vấn đề kỹ thuật cụ thể, sẽ hỗ trợ để điều chỉnh các phương pháp/công cụ/hướng dẫn cho quy hoạch biển/ven biển, phù hợp với quy trình lập kế hoạch hiện có. Hỗ trợ phát triển công cụ hỗ trợ ra quyết định để phân tích kịch bản xu hướng thay đổi tài nguyên và môi trường trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, kịch bản về nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên và bảo vệ tài nguyên môi trường, kịch bản cho sự phát triển của ngành liên quan…

Hy vọng rằng, với ý tưởng đề xuất khá cụ thể và sát với thực tiễn khó khăn và hoạt động lập quy hoạch không gian biển Việt Nam đang vướng mắc, UNESCO cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng được quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương đạt được mục tiêu mong muốn.

Bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 2 của Ủy ban Liên Chính phủ Hải dương học UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Quy hoạch không gian biển được tổ chức tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp với UNESCO-IOC về việc xây dựng khung chương trình hỗ trợ lập Quy hoạch không gian biển Việt Nam và quản trị đại dương.