Khám phá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái biển Việt Nam

Biển đảo - Ngày đăng : 11:21, 02/04/2019

(TN&MT) - Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên vị thế (TNVT), kỳ quan sinh thái (KQST) và kỳ quan địa chất (KQĐC) đối với phát triển kinh tế biển, tháng 3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể về “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” và trong danh sách 20 dự án được phê duyệt. Khi kết thúc, Dự án đã đề xuất các giải pháp quan trọng quản lý, sử dụng hợp lý, bảo tồn TNVT, KQST, địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam, trong đó, có danh mục các khu vực có vị thế đặc biệt; danh mục các kỳ quan sinh thái và địa chất được tôn vinh và bảo vệ, bảo tồn với các hình thức khác nhau.
T11
Dải san hô vùng biển Cù Lao Chàm Quảng Nam. Ảnh: MH

Phát hiện và khẳng định những giá trị mới

Dự án đã xây dựng được cơ sở lý luận bước đầu về TNVT, KQST và KQĐC với những định nghĩa, khái niệm được đưa ra phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Lần đầu tiên, đã nghiên cứu xây dựng được phương pháp luận đánh giá TNVT, KQST và KQĐC vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam với các tiêu chí phân loại, tiến hành phân loại, xác định các kiểu loại giá trị tài nguyên: TNVT được phân loại gồm hệ thống thủy hệ hoặc địa hệ với cả 3 hợp phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí, nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia và được phân cấp như sau: Cấp 1- biển Việt Nam; cấp 2 - các vùng của biển Việt Nam; cấp 3 - các thủy hệ - địa hệ nằm trong các vùng biển, tạo thành các hệ thống riêng như hải đảo, đầm phá, cửa sông và vũng vịnh. Chúng được đánh giá theo 3 tiêu chí: Giá trị vị thế tự nhiên; giá trị vị thế địa kinh tế và giá trị vị thế địa chính trị.

Các KQST được phân loại thành 2 nhóm và 8 dạng như sau: Nhóm 1 - các hệ sinh thái: 1- rạn san hô; 2 - rừng ngập mặn; 3 - thảm cỏ biển; 4 - đầm phá ven bờ; 5 - hồ nước mặn. Nhóm 2 - các khu vực sinh thái: 6 - đảo - biển; 7 - vùng triều - cửa sông; 8 - bán đảo - bờ biển. Các KQST được đánh giá theo 4 tiêu chí: Tiêu chí về đa dạng sinh học; tiêu chí về mỹ học; tiêu chí độc đáo, đặc sắc và kỳ vĩ; tiêu chí về các giá trị đi kèm.

Các KQĐC được phân loại thành 3 nhóm và 11 dạng như sau: Nhóm 1 - thủy vực: 1 - vịnh biển; 2 - vùng cửa sông; 3 - đầm phá; 4 - hồ nước mặn. Nhóm 2 - đảo và bán đảo: 5 - quần đảo; 6 - đảo; 7 - bán đảo. Nhóm 3 - các thành tạo bờ biển: 8 - thành tạo đá ven biển; 9 - cồn, thềm cát ven biển; 10 - hang động. Các kỳ quan địa chất được đánh giá theo 4 tiêu chí về: Tiêu chí đa dạng địa chất; tiêu chí về mỹ học; tiêu chí độc đáo, đặc sắc và kỳ vĩ; tiêu chí về các giá trị đi kèm.

Dự án tiến hành điều tra và đánh giá ở mức độ tổng quan nhất điều kiện tồn tại của TNVT, KQST và KQĐC vùng biển đảo Việt Nam theo năm vùng: Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về các mặt điều kiện tự nhiên; kinh tế - xã hội; tiềm năng tài nguyên; môi trường và thiên tai. Kết quả đã các định rõ tại các khu vực lựa chọn và các khu bảo tồn thiên nhiên biển xác lập và ghi nhận đại diện kỳ quan thiên nhiên, vị thế tối ưu cho năm vùng khác nhau của khu vực, đó là: Đảo Bạch Long Vỹ và vùng cửa Ba Lạt (Bắc Bộ); đảo Cồn Cỏ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khu vực Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Chà (Bắc Trung Bộ); các đảo Cù Lao Chàm, Hòn Mun và Phú Quý (Nam Trung Bộ); Côn Đảo (Nam Bộ) và đảo Nam Yết (vùng quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa). Đồng thời, đã có được kết quả điều tra, đánh giá chi tiết TNVT, KQST và KQĐC ở các khu vực trọng điểm đảo Cát Bà và đảo Phú Quốc.

Đề xuất cụ thể những khu vực có giá trị đặc biệt

Kết quả của Dự án đã làm rõ Hệ thống 36 khu vực có giá trị KQST và KQĐC tầm quốc tế, quốc gia và địa phương được đề xuất theo các hình thức khác nhau theo hệ thống bảo tồn, bảo vệ của thế giới và của Việt Nam. Đặc biệt, đã đề xuất xây dựng hệ thống 3 công viên địa chất Quốc tế là: Cát Bà - Long Châu; Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Chà và vùng Cát đỏ Phan Thiết và hệ thống 6 công viên sinh thái biển gồm: Đảo Cô Tô, đảo Cồn Cỏ, vịnh Nha Trang, Vườn Quốc gia Núi Chúa và đảo Nam Yết.

Đồng thời, đề nghị tôn vinh 10 KQST nổi bật nhất: 1 - Rạn san hô vòng Bãi Cỏ Rong (Trường Sa); 2 - Rừng ngập mặn Cần Giờ; 3 - Đảo Phú Quốc; 4 - Đảo Cát Bà; 5 - Vùng triều - cửa sông Ba Lạt; 6 - Cù Lao Chàm; 7 - Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; 8 - Mũi Cà Mâu; 9 - Côn Đảo; 10 - VQG Núi Chúa. Đề nghị tôn vinh 10 KQĐC nổi bật nhất: 1 - Vịnh Hạ Long, 2 - Đảo Cát Bà; 3 - quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 4 - VCS Mê Kông, 5 - Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, 6 - Bán đảo Hải Vân, 7 - quần đảo Bái Tử Long, 8 - Vùng cát đỏ Phan Thiết; 9 - Bãi biển Lăng Cô và 10 - Ghềnh Đá Đĩa Tuy An.

Qua đó, cũng đưa ra định hướng và các phương án kết hợp du lịch sinh thái và du lịch địa chất cho hai hòn đảo ngọc của Việt Nam: Cát Bà nổi trội về giá trị kỳ quan địa chất và Phú Quốc nổi trội về kỳ quan sinh thái và tài nguyên vị thế trên vùng biển Việt Nam.