Từ Vân Đồn, sẽ mở ra...
Biển đảo - Ngày đăng : 11:30, 03/02/2019
Câu than ấy của bà nội cứ ám ảnh tôi. Trong trí tưởng tượng của thằng bé con sống trên rừng thời tránh bom Mỹ, cái vịnh biển xanh xanh với muôn nghìn hòn đảo nhấp nhô cứ hiện lên, mờ ảo và kỳ vỹ…
Rồi cũng hết chiến tranh. Tôi về Hà Nội học, ra trường, đi làm báo, viết văn. Tôi háo hức với chuyến đi đầu tiên tìm về vùng mỏ, về Hạ Long. Chao ôi, đầy những nhiêu khê. Nối mấy chuyến xe chạy từ sáng, qua phà Rừng mênh mông, qua phà Bãi Cháy, đến chiều muộn mới tới Hòn Gai, rồi đi Cẩm Phả. Hai thị xã lầm bụi than đen nhẻm vương trên đường, trên cây lá, trên cả mặt người. Nhưng tôi vẫn thấy hút hồn mình khi nhìn vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Xa xa hơn nữa là đảo Cái Bầu, Vân Đồn mù mây giữa mênh mang trời biển…
Sau chuyến đi ấy, tôi còn nhiều lần ra lại vùng Đông Bắc. Tôi có cả một mùa hè đi điền dã với một người bạn học cũ ở vùng biển biên tái ấy, bắt đầu từ Cái Bầu. Cái Bầu, tên cũ gọi Kế Bầu là hòn đảo lớn nhất, cũng là trung tâm của quần đảo với gần 600 hòn đảo nơi vùng biển Đông Bắc đất nước mang tên Vân Đồn, thuộc huyện Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chúng tôi đi theo ngư dân, theo thợ sơn tràng, đi rộng ra phía biển, đến các đảo xa để tìm hiểu cảnh vật và con người nơi đây. Thì ra, con người đã có mặt trên các đảo của vùng biển đảo này rất sớm, từ thời kỳ đồ đá mới. Di chỉ khảo cổ Hang Soi Nhụ có trước cả Văn hóa Hạ Long. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên theo sử sách ghi lại, năm 980, ở đây đã có đồn Vân (đồn Mây, sau thành tên Vân Đồn), trấn giữ vùng biển Đông Bắc của quân đội nhà Tiền Lê. Triều Lý, năm 1149, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Ðồn. Trận chiến Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang ở Quan Lạn gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khánh Dư, quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng.
Vân Đồn phát triển thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, mở ra giao thương với các nước khu vực Đông Á và thế giới, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Thương cảng Vân Đồn với các bến thuyền cổ trung chuyển hàng hóa gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản dọc sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như: Chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là những minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh thời nhà Trần.
Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt các triều đại Lý,Trần, Hậu Lê, rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc.
Tôi đã có thật tròn đầy cái cảm giác về một vùng đất vùng biển rất nên thơ, trầm tích bao nhiêu giá trị lịch sử. Bao nhiêu tiếng gươm khua, tiếng giáo mác và máu đổ, những tên đất, tên núi vẫn cứ hiền hòa, như Vạn Yên, Vạn Hoa, Chàng Ngo, Nàng Tiên, Thiên Nga…
Bao nhiêu năm qua lại vùng này, tôi cũng như nhiều người, đã đinh ninh đây là một vùng đất có tiềm năng rất lớn lao. Rồi thêm các chuyến đi khác, đi đến những danh lam thắng cảnh biển trời ở các nơi trên thế giới, nhìn về vùng biển Đông Bắc đất nước mình, tôi thấy có một giấc mơ…
Thật ra, còn lớn hơn một giấc mơ rất nhiều lần, mà lại được hiện thực hóa một cách nhanh chóng đến ngỡ ngàng. Đã nghe những rậm rịch chuyển động thời gian qua, đến cuối năm nay, tôi đi xe một mạch trên cao tốc, từ Hà Nội đến Vân Đồn, với điểm cuối là một cảng hàng không đẹp như không có thật trên đời này.
Cách đây chừng năm, mười năm trước, có ai tưởng tượng được, đi ô tô từ Thủ đô Hà Nội ra tới vùng biên tái, vùng hải đảo địa đầu đất nước, chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ? Và từ đấy, ta lên máy bay, bay trên vùng vịnh biển kỳ thú Hạ Long, Bái Tử Long, để đến với mọi nơi trên thế giới!
Vân Đồn được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp, sẽ bắt đầu mở ra một cuộc khởi động thần kỳ, không lâu nữa, sẽ nổi tiếng không kém gì các thành phố danh thắng ở các quốc gia biển như: Venice (Italia), Nice thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur của nước Pháp, hay như các thành phố Auckland (New Zealand), Barcelona (Tây Ban Nha), Vancouver (Canada), Copenhagen (Đan Mạch)…
Vân Đồn sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, khách du lịch khắp nơi trên thế giới sẽ tìm đến!
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn chắc chắn sẽ tạo nên một sức bật mới cho một cuộc kiến tạo kỳ vỹ để làm nên một cực trong tam giác kinh tế của vùng Đông Bắc Bộ, kéo theo sự phát triển của nhiều vùng đất tiềm năng khác ở phía Bắc đất nước ta.
Cách đây vài năm, trong một chuyến đi nghỉ ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, chúng tôi có cuộc gặp và trò chuyện với doanh nhân Lê Viết Lam, người đứng đầu, cùng các nhân vật lãnh đạo của Tập đoàn Sungroup. Hôm đó, chúng tôi đã nghe giới thiệu Sungroup với ý tưởng về việc xây sân bay Vân Đồn. Và tôi nghe với một cảm giác như đang còn vời xa lắm. Nhân các bạn trong Ban truyền thông của Tập đoàn tìm được clip đã phát trên sóng VTV giới thiệu bài hát “Trường Sa làng ta” của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ bài thơ của tôi viết sau khi đi thăm quần đảo Trường Sa về, rồi chiếu lên màn hình cho mọi người xem, như để giới thiệu vị khách là tôi. Sau đấy, tôi có phát biểu: “Các anh vừa nói về sân bay Vân Đồn. Thật sự, tôi thấy đó là một giấc mơ rất đẹp. Và tôi có một ý tưởng về một giấc mơ nữa, khi vừa nghe lại bài hát “Trường Sa làng ta”, là một ngày nào đó, các anh hãy xây, hãy mở ra một sân bay lớn ở Trường Sa. Trường Sa dứt khoát là thuộc chủ quyền của Việt Nam, là “đất làng” của chúng ta! Sẽ phải có một sân bay cho những người dân đất Việt bay ra đấy mà ngắm nhìn, để yêu tin và ngưỡng mộ cha ông ta đã bao đời nay kiên cường đổ bao máu xương chinh phục biển cả bao la như thế nào. Sân bay này sẽ mở ra một ngành du lịch mới, là du lịch biển đảo”.
Ngày ấy, nói thế là như đang nói về một giấc mơ. Bây giờ, sau một thời gian không nhiều nhặn gì, sân bay Vân Đồn, sân bay đầu tiên của một tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư, đã hiện ra thật sự rồi, đã cùng với tuyến đường cao tốc mới mở ra một cuộc chuyển động mới mẻ để đi lên thịnh vượng rồi. Vậy sao lại không hy vọng, một ngày nào đó không xa nữa, cảng hàng không dân dụng Trường Sa sẽ hiện ra, lại hiện thực hóa, để mở ra những khát vọng phát triển mới lớn lao nơi biển đảo xa xôi của đất nước!