Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống hành lang bảo vệ bờ biển

Biển đảo - Ngày đăng : 13:21, 18/01/2019

(TN&MT) - Theo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 17 khu vực xảy ra hiện tượng xói bờ biển, trong đó phần đất liền có 10 khu vực bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài xói lở khoảng 50km; phần huyện đảo có 07 khu vực xói lở mạnh làm cho diện tích bờ biển đang bị thu hẹp dần. Nhằm quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt chi tiết các nội dung thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển” và chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.
ke2
Công trình kè bờ biển ở phường 12, TP. Vũng Tàu bị hư hỏng do nước biển xâm thực

Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là 1.980,98 km², trong đó vùng ven biển và hải đảo có diện tích 1.571,3 km², chiếm 79% diện tích toàn tỉnh. Với lợi thế về diện tích biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển…. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, sóng lớn, triều cường, bão lũ... khiến nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở gây thiệt hại rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như đời sống của dân cư ven biển.

Qua thống kê cho thấy, dọc theo bờ biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 khu vực  xảy ra hiện tượng xói bờ biển. Trong đó, đối với phần đất liền có 10 khu vực bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50 km, tình trạng xói lở  xảy ra chủ yếu trên đoạn bờ biển từ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đến mũi Nghinh Phong, TP. Vũng Tàu; đối với phần bờ biển huyện đảo thì có khu vực bờ biển bị xói lở mạnh diễn ra tại phần đảo lớn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tình trạng xói lở này đang làm tăng nguy cơ bị thu hẹp diện tích của huyện đảo.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên biển, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt chi tiết các nội dung thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển” để quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên này. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Sở TN&MT sớm hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trình thẩm định, phê duyệt để cắm mốc thực địa, làm cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả dự án.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trên cơ sở được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đặt hàng nhà nước thực hiện dự án, Sở TN&MT đã ký hợp đồng với Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển để thực hiện dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, Sở TN&MT đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương; hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh dự thảo và đã trình thẩm định các bản đồ như: Bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10000; Bản đồ hiện trạng tài nguyên vùng bờ tỷ lệ 1:10000; Bản đồ các khu vực dự kiến thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh…, các báo cáo chuyên đề của các hạng mục dự án.

Cũng theo Lê Ngọc Linh, hành lang bảo vệ bờ biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Cụ thể, đối với huyện Long Điền đoạn bờ biển thị trấn Long Hải là khu vực có rừng phòng hộ, nơi có hệ sinh thái cây trên cạn, có các danh lam thắng cảnh, cảnh quan tự nhiên di tích văn hóa, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sạt lở bờ biển và bảo đảm quyền tiếp cận người dân với biển.

ke1
Các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của huyện Côn Đảo

Và đối với thành phố Vũng Tàu, đoạn từ  phường 11, 12 đến cầu Cửa Lấp, khu vực này có nhiều đoạn bị xói lở rất mạnh, có rừng phi lao, rừng ngập mặn và nhu cầu tiếp cận của người dân với biển cao nên cần phải lập hành lang bảo vệ bờ biển; khu vực vùng bờ thuộc các xã Bông Trang và Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) là dải rừng phòng hộ với chiều dài hàng chục km là lá phổi xanh cho huyện Xuyên Mộc, góp phần rất lớn vào việc chống xói lở bờ biển cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực này cần phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với chế độ bảo vệ đặc biệt.

Còn đối ven biển xung quanh các đảo thuộc huyện Côn Đảo có diện tích gần 20.000 ha, là Vườn Quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận là một trong 2.203 khu đất ngập nước (khu Ramsar) quan trọng của quốc tế. Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Nhiều khu vực có bãi cát, là nơi làm tổ đẻ trứng của rùa biển cần phải thiết lập để bảo vệ nơi làm tổ đẻ trứng của rùa biển và hệ sinh thái rạn san hô dưới biển duy trì hệ sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Theo đó, tổng chiều dài hành lang bảo vệ bờ biển phần đất liền là 49.031.27 m với 20 khu vực, gồm: địa bàn huyện Đất Đỏ có 07 khu vực, tổng chiều dài thiết lập hành lang là  7.581.98 m;  huyện Long Điền có 05 khu vực, tổng chiều dài thiết lập hành lang là 7.756.31m; thành phố Vũng Tàu có 02 khu vực, tổng chiều dài thiết lập hành lang là 10.262.28 m; huyện Xuyên Mộc có 06 khu vực, tổng chiều dài thiết lập hành lang là 23431.7 m. Đối với phần đảo, huyện Côn Đảo, tổng chiều dài phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là 11.950.23 m…

Ngoài những khu vực cần bảo vệ nêu trên, dự thảo của dự án cũng liệt kê ra 15 khu vực bờ biển thuộc các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đưa vào danh mục thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển vì những khu vực này đã có quy hoạch làm sân bay, cảng biển hoặc đã có công trình kè biển kiên cố.