Cảm hứng đại dương

Biển đảo - Ngày đăng : 10:24, 04/10/2018

(TN&MT) - Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Và, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.  
CÔN ĐẢO


Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng phát triển kinh tế biển để làm giàu, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển là rất lớn. Tuy vậy, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm (những trận chiến nơi biên ải biển Vân Đồn của tướng lĩnh nhà Trần… đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển); đã từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn nhưng vẫn không có nổi chiến thuyền tầm cỡ, không có thuyền buôn lớn vượt biển. Ấy là những nghịch lý trong suốt hành trình lịch sử người Việt mở mang bờ cõi. Và, cho đến tận thế kỷ 20, đứng trước Biển bao la "cảm hứng đại dương" để vươn ra biển vẫn chưa thành hiện thực đối với chúng ta.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển (từ năm 2007), kinh tế biển và ven biển Việt Nam đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương có biển. Trong những năm qua, tổng sản phẩm của 28 tỉnh, thành phố ven biển tăng bình quân 7,5%/năm (cả nước tăng 6%/năm). Riêng năm 2017, tổng sản phẩm của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt xấp xỉ 65 triệu đồng (cả nước đạt 53,3 triệu đồng).

Mặc dù chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển trong một thập kỷ qua có tăng, song theo nhận định của Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển còn một khoảng cách khá dài. Hiện, chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển chia cho chiều dài bờ biển của Việt Nam hiện mới chỉ ước đạt khoảng 3,6 triệu USD/km (tương đương khoảng hơn 80 tỷ đồng/km) so với mức bình quân của thế giới đạt khoảng 4 triệu USD/km bờ biển – Một con số thật đáng phải suy nghĩ.

Thế nên, hôm nay đây, ra khơi xa như một mệnh lệnh. Không ra khơi xa, không bắt được cá lớn. Để triển khai hết gân sức kéo căng cánh buồm thời đại, đón gió đại dương phải dám nhìn lại mình, biết rũ bỏ những yếu kém của chính mình. Đấy là bản lĩnh của người biết chủ động đón nhận thách thức, biến thách thức thành vận hội để đưa đất nước bứt lên.

Có thể nói “thế trận tiến ra đại dương” đã hình thành các mũi xung kích, nhưng điều còn trăn trở là các kế sách và ấy cần một “tổng chỉ huy” tài năng và sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều đầu mối khác nhau. Bởi lẽ, kinh tế biển đến nay mới chỉ có một số quy hoạch của từng ngành liên quan. Các tỉnh ven biển có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển chưa được thiết kế cụ thể, còn thiếu tính hệ thống ở tầm quốc gia.

Khai thác tài nguyên biển đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Ước mong vươn ra khơi xa, làm chủ biển cả chỉ có thể thực hiện được khi có một chính sách dài hơi, một tầm nhìn chiến lược bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng và triển khai thực hiện đồng bộ.

Tiến ra biển không thể chỉ là khát vọng mà khả năng. Khai thác tiềm năng tài nguyên từ đồng bằng đã rất khó khăn và cần nhiều tiền của, trí tuệ, sức lực - khai thác tài nguyên từ biển còn cần nhiều hơn thế.

Đầu tư cho con tàu lớn, hiện đại chạy trên đại dương sẽ luôn giành được những nguồn lợi lớn gấp nhiều lần đoàn thuyền đánh cá ven bờ. Và tất nhiên, nền kinh tế biển mạnh càng đảm bảo chắc chắn cho công cuộc giữ vững chủ quyền, an ninh quốc phòng trên biển.

Với tâm thế ấy, có phải thế chăng mà lịch sử chưa bao giờ đứt đoạn, dù đã trải bao thăng trầm biến cố. Hôm nay đây, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập - một Việt Nam ba phần tư là biển.