Môi trường biển ven bờ: Tiềm ẩn mối lo
Biển đảo - Ngày đăng : 08:21, 31/08/2018
Quá nhiều nguy cơ gây ô nhiễm
Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển của Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ô nhiễm nước biển ven bờ, đặc biệt, vùng cửa sông, bến cảng, rác thải nhựa trên biển là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý. Điều tra của Viện Hải Dương học cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ven biển là hiện tượng nuôi thủy sản tràn lan, không có quy hoạch.
Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trên 37.000ha đã được khai thác đưa vào nuôi trồng thủy sản (chiếm 30 - 35% diện tích nước mặn lợ). Gần đây, phần lớn cơ sở đã đi vào nuôi trên quy mô công nghiệp dẫn tới các nơi cư trú sinh vật, bãi đẻ, bãi giống bị hủy diệt, dịch bệnh xuất hiện tràn lan... Hơn nữa, tình trạng ÔNMT còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới việc thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình là Vườn Quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, được coi là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam với nhiều khu dự trữ tài nguyên sinh thái biển lớn. Nhưng từ một hòn đảo khá đẹp và trong lành, Cát Bà đã bị biến thành một hòn đảo “tạp” kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản. Những khu du lịch, những khu nuôi cá lồng bè, khu đánh bắt cá... tất cả đều được quy hoạch “bám” ra mặt biển. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác được đổ trực tiếp ra biển.
Gần đây, các khu công nghiệp bám biển cũng là mối đe dọa lớn đối với môi trường vùng bờ khi hàng loạt các nhà máy nhiệt điện, chế biến dầu khí, thép và giấy thi nhau mọc lên khắp dải ven biển từ Bắc tới Nam. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý nguồn thải từ những khu công nghiệp, nhà máy này vẫn chưa bắt kịp với thực tiễn.
Hệ lụy đã xảy ra là 80% diện tích rừng ngập mặn đã biến mất trong vòng 50 năm qua mà việc phục hồi không đáng kể; diện tích các rạn san hô ở vùng biển Bắc giảm từ 1/4 đến 1/2 số lượng. 85% các rạn san hô còn lại có chất lượng không tốt hoặc đáng báo động. Nhiều vùng biển tập trung thảm cỏ biển lớn như: Tam Giang, Phú Quốc… đã bị suy giảm đáng kể. Sự cố môi trường, thủy triều đỏ, xói lở bờ biển… liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng lớn tới môi sinh, sức khỏe con người và hệ sinh thái ven bờ. Ô nhiễm bởi chất hữu cơ trong nước biển ven bờ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành ven biển Việt Nam.
Cần nhanh chóng lấp đầy “khoảng trống” trong quản lý
Mặc dù, đã có nhiều kết quả quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ môi trường biển được ghi nhận thời gian qua, song nhìn lại còn không ít bất cập khi nhiều công cụ quan trọng nhằm quản lý tổng hợp TNMT biển còn thiếu và yếu. Ví như việc xây dựng văn bản pháp luật tuy đã có nhiều nỗ lực xong vẫn thiếu hụt những văn bản quan trọng để hướng dẫn triển khai Luật TNMT biển và hải đảo như: Nội dung cấp phép nhận nhìn ở biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; hay các kế hoạch hoạt động của địa phương lại “nằm chờ” Chiến lược quy hoạch cấp quốc gia.
Việc chậm trễ trong việc ban hành nhiều vấn đề có tính chất kỹ thuật như danh mục các điểm có giá trị đặc trưng triều vùng ven biển Việt Nam nên hoạt động xác định ranh giới để giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển giữa Trung ương và địa phượng, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, còn không ít khe hở, chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư 2 của Bộ TN&MT và Nghị định 43, Nghị định 44, Nghị định 51 nên việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển còn chưa thực sự rõ ràng.
Trong khi đó, năng lực đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo ở cả Trung ương và địa phương còn thiếu và chưa đủ kinh nghiệm, kinh phí cho viêc triển khai các nhiệm vụ, dự án còn hạn chế, cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo còn chưa đáp ứng nhu cầu.
Chính vì vậy, thông qua việc xây dựng Khung đánh giá hiện trạng môi trường vùng bờ hàng năm của địa phương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất cần đưa vào các nội dung đánh giá có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa, chất thải từ lục địa ra biển; cần có những chỉ số cụ thể đánh giá nguồn thải, tải lượng ô nhiễm trên lưu vực sông; phát triển hệ thống quản lý chất lượng nước theo quota xả thải nhằm quản lý nguồn thải từ đất liền vào biển; đánh giá nguồn thải, tải lượng ô nhiễm. Đánh giá nguồn thải, tải lượng ô nhiễm năng lục chịu tải của các vùng biển (theo mức độ ưu tiên); tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra, đồng thời, hoàn thiện các quy chuẩn môi trường.
Nhằm hướng tới khai thác hợp lý và sử dụng bền vững tài nguyên cần nhanh chóng thiết lập và triển khai quy hoạch không gian biển và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ ở các địa phương với việc cơ quan Trung ương hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai các chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng các định hướng kỹ thuật, thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ địa phương, tổ chức diễn đàn chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm. Mặt khác, cần nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ trong việc ứng phó sự cố môi trường như tràn dầu, các chất độc hại lan truyền trên biển, phát triển các hệ thống quan trắc và dự báo, cảnh báo sớm; hoàn thiện hệ thống pháp lý và đầu tư nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý TNMT biển, đảo tại địa phương.