Tổ quốc giữa trùng khơi
Biển đảo - Ngày đăng : 14:13, 30/04/2018
Cảng cá An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) những ngày cuối tháng 4 rợp cờ Tổ quốc tung bay trên những chiếc thuyền vừa cập bến. Vui mừng vì năm nay được về đảo vui lễ cùng gia đình sau chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Bùi Văn Phải- thuyền trưởng tàu cá QNg 96169 TS hồ hởi chia sẻ: Năm nay nhờ trời biển lặng, từ đầu năm đến giờ, tàu đi biển được hai chuyến, anh em bạn thuyền cũng có nguồn thu nhập ổn định.
“Chuyến vừa rồi ra khơi tàu bắt được 12 tấn cá các loại. Nhẩm tính cũng đã đủ lãi sau khi trừ hết chi phí nên tôi quyết định cho anh em về đón lễ 30/4 cùng gia đình. Sau lễ là chúng tôi lại ra Hoàng Sa. Thời điểm này ra khơi không chỉ là đánh bắt hải sản mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc”- ngư dân Phải chia sẻ.
Mới ngoài 30 tuổi nhưng ngư dân Bùi Văn Phải đã có thâm niên gần 20 năm bám biển Hoàng Sa. Từ năm 13 tuổi, chàng trai làng biển đã ra khơi, đương đầu với nhiều cơn bão cùng với cha anh, đến giờ ngư dân Phải đã hun đúc, tôi luyện thành một ngư dân, một thuyền trưởng đầy bản lĩnh. Cách đây gần 5 năm, trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 96382 TS của anh Phải bị tàu nước ngoài rượt đuổi, bắn cháy cabin. Khi đó tính mạng bị đe dọa anh Phải và các bạn chài vẫn kiên cường bảo vệ tàu, xông vào ngọn lửa, cuộn lá cờ Tổ quốc vào ngực, tìm mọi cách bảo vệ cờ khỏi lửa táp. Được lai dắt trở về đất liền, con tàu chỉ còn trơ bộ khung, nhưng lá cờ Tổ quốc dù thủng lỗ chỗ, cháy sém một góc nhưng vẫn tung bay đầy kiêu hãnh trước sự tự hào của ngư dân… Với mỗi ngư dân, cờ Tổ quốc như một vật bất ly thân, là niềm kiêu hãnh, nguồn động viên và quan trọng hơn là đánh dấu mốc chủ quyền, vùng lãnh hải của Việt Nam.
“Gạo có thể thiếu, rau có thể không đủ đầy cho những chuyến đánh bắt hải sản dài ngày những cờ phải giữ nguyên vẹn để tung bay trên bầu trời, vùng biển của quê hương”- ngư dân Phải tâm sự.
Ngư dân Bùi Nam, chủ tàu cá QNg -96562 TS xúc động, hàng chục năm đi biển nơi đầu sóng ngọn gió, việc đầu tiên trong mỗi chuyến ra khơi là thuyền trưởng phải trực tiếp giong cờ lên nóc tàu. Cờ Tổ quốc tung bay giữa mênh mông biển cả như tiếp thêm sức mạnh để những ngư dân vững tay lái, chắc tay chèo để ngày về tôm cá đầy khoang. Bởi vậy, tàu nào đi biển cũng cắm lá Quốc kỳ, có tàu treo tới 3-4 lá cờ.
“Những chuyến lênh đênh trên biển, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc giữa khơi xa, ngư dân chúng tôi như được gặp làng xóm, anh em trong một nhà. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt sóng, cưỡi gió”- ngư dân Bùi Nam tâm sự.
Bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch huyện Lý Sơn nhẩm tính: Lý Sơn hiện có 528 phương tiện tàu cá, với tổng công suất đạt trên 68.000 CV, trong đó có trên 250 tàu cá công suất lớn đang tham gia khai thác hải sản tại các ngư trường xa bờ. Với chừng ấy tàu thuyền tham gia đánh bắt ngoài khơi mang theo cờ Tổ quốc là chừng ấy cột mốc chủ quyền đang ngày đêm góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Để tiếp thêm tinh thần, ý chí vươn khơi bám biển của ngư dân, thời gian qua, các cấp các ngành, đơn vị, đoàn thể đã tổ chức trao tặng hàng ngàn lá cờ cho các ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Mới đây, trong chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã trực tiếp đến cảng cá An Hải để trao tặng cờ Tổ quốc cho 15 ngư dân đánh bắt giỏi trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trước khi ra khơi cho chuyến đánh bắt mới. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, chương trình tặng cờ Tổ quốc được cảnh sát biển tổ chức thường xuyên để động viên các ngư dân bám biển đảo giữ ngư trường. Không chỉ trước mỗi chuyến ra khơi mà ngay cả trên vùng biển thiêng liêng, khi những lá cờ của ngư dân trên các tàu đánh cá bị mưa gió đánh rách hay bạc màu thì tàu của cảnh sát biển sẵn sàng cập mạn và trao tận tay ngư dân để những ngọn cờ của Tổ quốc luôn tươi tắn và rực cháy giữa biển.
Câu chuyện bi hùng về lòng quả cảm, sự hy sinh của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa giong buồm đi mở cõi nơi Hoàng Sa, Trường Sa luôn thấm đẫm trong tim những ngư dân trẻ Lý Sơn. Chính vì thế, dẫu phải đương đầu với giông bão, hiểm nguy, hậu duệ của đội hùng binh vẫn ngày đêm kiên cường bám biển đến với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, diệu vợi. Và trong mỗi chuyến đi ấy không thể thiếu những lá cờ Tổ quốc tung bay trên cabin thuyền với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào, tình yêu biển trong trái tim người làng chài miền Trung...