Miền Trung: Ngư dân khí thế trở lại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Biển đảo - Ngày đăng : 17:51, 27/02/2018

(TN&MT) - Những ngày đầu xuân, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm cho những chuyến vươn khơi xa bờ tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Không khí khẩn trương trên hàng chục tàu cá chuẩn bị vươn khơi xa “xông biển” đầu năm
Không khí khẩn trương  trên hàng chục tàu cá chuẩn bị vươn khơi xa “xông biển” đầu năm


Sáng ngày 27/2, tại cảng An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành tổ chức lễ ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm Mậu Tuất 2018. Đây là hoạt động mang đậm nét văn hóa của ngư dân vùng biển, cầu mong trong mới mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang tàu thuyền. Ngay từ  sớm, hàng trăm ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) đã có mặt tại cảng chuẩn bị “xông biển” đầu năm. Nhiều tàu cá được các ngư dân trang trí cờ đỏ, băng rôn với khẩu hiệu như “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam” tạo nên khí thế hừng hực trong những ngày đầu xuân.

Ngư dân Huỳnh Văn Khôi (54 tuổi), trú xã Tam Giang, chủ tàu cá QNg 91829TS, công suất 829 CV, hành nghề câu mực cho biết, ông tham gia lễ ra quân đầu năm mới cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đánh trúng nhiều mẻ tôm cá đầy khoang tàu thuyền.

“Hiện tàu tôi đã chuẩn bị đầy đủ các lương thực, nhu yếu phẩm. Sau khi lễ ra quân kết thúc, tôi cùng 13 thuyền viên sẽ vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa. Năm nay thời tiết thuận lợi hy vọng chuyến biển đầu năm sẽ thành công”- ngư dân Huỳnh Văn Khôi chia sẻ.
 

Ngư dân đang đưa các ngư lưới cụ lên tàu chuẩn bị vươn khơi
Ngư dân đang đưa các ngư lưới cụ lên tàu chuẩn bị vươn khơi

Với ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, ra Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ đơn thuần mưu sinh mà sự có mặt của họ trên vùng biển đảo quê hương đã minh chứng và khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ngư dân Đỗ Văn Trầm (40 tuổi, trú thôn Hòa An, xã Tam Giang), chủ tàu vỏ thép QNg 91612 TS, công suất 829 CV, hành nghề chụp mực cũng cho biết, năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện để anh vay vốn nâng cấp, đóng tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển dài ngày ở hai ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam.

Ngư dân Quảng Nam thẳng tiến tới ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa
Ngư dân Quảng Nam thẳng tiến tới ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa

“Tàu tôi đã chuẩn bị đầy đủ các ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm và đã nhập 1.000 cây đá lạnh để chuẩn bị vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu tôi có 17 thuyền viên tham gia hoạt động đánh bắt hải sản. Dự kiến, chuyến biển đầu năm Mậu Tuất 2018, tàu tôi bám biển 1 tháng”- Ngư dân Đỗ Văn Trầm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Hiện nay, toàn huyện Núi Thành đã đóng mới được 43 chiếc gồm 24 tàu vỏ thép, 19 tàu vỏ gỗ, 39 tàu khai thác khác và 4 tàu dịch vụ hầu cần. Đến nay, đã đưa vào hoạt động được 42 chiếc. Việc tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản năm 2018 để cầu mong  ngư dân địa phương đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn vươn khơi bám biển. Đồng đời, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Tàu cá của ngư dân xã Bình Thạnh đồng loạt nổ máy ra cửa biển Sa Cần
Tàu cá của ngư dân xã Bình Thạnh đồng loạt nổ máy ra cửa biển Sa Cần

Tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) vừa tổ chức Lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2018.

Sau kết thúc nghi lễ, gần 10 chiếc tàu cá của ngư dân xã Bình Thạnh đồng loạt nổ máy ra cửa biển Sa Cần, hừng hực khí thế trở lại với Hoàng Sa, Trường Sa.

Xã Bình Thạnh có tổng số 112 tàu thuyền, tổng công suất 11.720CV với tổng số lao động 664 người. Trong đó, có 21 tàu trên 90CV thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thạnh, khoảng 123 đoàn viên, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, trong đó có 9 tàu tham gia đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.