Thiết lập hành lang bảo vệ vùng bờ: Địa phương cần thực hiện những gì?

Biển đảo - Ngày đăng : 10:27, 09/07/2019

(TN&MT) - Một trong những chế định quan trọng, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam là quy định về hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB). Đây là nội dung được quy định tại Điều 79, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tuy vậy, việc thực hiện đến nay còn chậm, mới chỉ có 4/28 tỉnh, thành phố có biển đã phê duyệt việc thiết lập HLBVBB. Song việc thực thi pháp luật về điều khoản này phải được thực thi ngay sau khi Luật Tài nguyên, môi trường (TNMT) biển và hải đảo có hiệu lực.
T11
Tất cả 28 tỉnh, thành có biển phải thành lập được hành lang bảo vệ vùng bờ. Ảnh: MH

 Chấm dứt các hoạt động xây mới trong phạm vi quy định

Theo quy định của Luật, hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển (Khoản 1, Điều 23).

Kể từ thời điểm Luật được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ TN&MT cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ một số các trường hợp cụ thể đã được quy định tại Điều 79. Khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập, các hành vi sau phải được nghiêm cấm:

Cụ thể, khai thác khoáng sản, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư.

 Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải. Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển, trừ hoạt động quy định tại Điều 25 của Luật này. Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển. Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, trong hành lang bảo vệ bờ biển, hạn chế các hoạt động: khai thác nước dưới đất; khai hoang, lấn biển; cải tạo công trình đã xây dựng; thăm dò khoáng sản, dầu khí; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Giới thiệu 3 bước thiết lập

Theo quy định của Luật TNMT biển và hải đảo, 18 tháng kể từ khi Luật này có hiệu lực, tất cả 28 tỉnh thành có biển phải thành lập được hành lang bảo vệ vùng bờ của tỉnh mình và phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Tuy vậy, đến nay, hoạt động này còn chưa được các địa phương thực hiện đúng hạn. Mới chỉ có các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và TP. Hải Phòng đã phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Còn lại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam và Cà Mau cũng mới gửi dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để xin ý kiến của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành khác theo quy định. Quy định về hành lang bảo vệ bờ biển và việc thực hiện Khoản 1, Điều 79 Luật TNMT biển và hải đảo.

Có tình trạng này, theo phản ánh của địa phương là do căn cứ pháp lý để thực hiện còn gặp không ít khó khăn, nhất là yếu tố kỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, hiện, Bộ TN&MT đã Ban hành Thông tư số: 29/2016/TT-BTNMT, ngày 12/10/2016 về Quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với các quy định kỹ thuật lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 40/2016/NĐ - CP quy định cho tiết thi hành một số điều luật của Luật TNMT biển và hải đảo; tiếp đó, Bộ TN&MT đã ban hành 2 Quyết định nhằm xác định đường cơ sở xác định mép nước triều thấp trung bình nhiều năm mà mép nước triều cao trung bình nhiều năm tại các khu vực biển và một số đảo lớn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương bám sát thực hiện.

Theo đó, việc thiết lập, công bố hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện thông qua 3 bước chính đó là: Bước 1: Lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; Bước 2: Xác định chiều rộng, ranh giới hàng lang bảo vệ bờ biển; Bước 3: Công bố, cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.    

Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, UBND tỉnh có biển có trách nhiệm tổ chức công bố hành lang bảo vệ bờ biển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn có biển nơi có hành lang bảo vệ bờ biển và tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập. Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt, Sở TN&MT có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.