Giao khu vực biển sẽ có những thay đổi cơ bản

Biển đảo - Ngày đăng : 11:01, 16/07/2019

(TN&MT) - Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang được thay thế bằng một Nghị định mới. Hiện, công việc hoàn thiện Dự thảo đã đi đến những khâu cuối cùng nhưng do tính chất phức tạp của Nghị định thay thế và lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nên sau khi trình Chính phủ và ngày 25/12/2018, hiện, Nghị định này đã tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung.
T11
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang được thay thế bằng một Nghị định mới. Ảnh: MH

Những thay đổi cơ bản

Dự thảo Nghị định hiện nay có 6 Chương và 45 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Nghị định trình Chính phủ ngày 25/12/2018.

Về quyền của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển: Dự thảo Nghị định làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 7, Nghị định và quyền của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tại Khoản 3, Điều 7 dự thảo Nghị định theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT.

Dự thảo Nghị định đã rà soát, lược bỏ một số quy định trùng lắp trong dự thảo Nghị định đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng; lược bỏ một số quy định liên quan đến trách nhiệm của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như: Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước theo ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.

 Về thời hạn giao khu vực biển trong trường hợp dự án có nhu cầu sử dụng biển trên 30 năm. Kế thừa Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, tại Khoản 1, Điều 6 dự thảo Nghị định quy định “thời hạn giao khu vực biển không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm”. Tuy vậy, thực tế, có những dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư mà có thời hạn trên 30 năm. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định đối với các dự án này, thời hạn giao khu vực biển có thể trên 30 năm nhưng không được vượt quá thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp để giúp nhà đầu tư yên tâm triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, nhưng trong trường hợp này phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ như quy định tại Khoản 2, Điều 6 dự thảo Nghị định.

Còn nhiều quy định cần xin thêm ý kiến

Hiện nay, dù Dự thảo Nghị định đã khá hoàn thiện, nhưng vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về một số quy định, theo đó, Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xin ý kiến về một số nội dung như: Thẩm quyền giao khu vực biển: Hiện nay, có 2 loại ý kiến về quy định thẩm quyền giao khu vực biển, tương ứng với 2 phương án quy định thẩm quyền giao khu vực biển:

Phương án 1: Cơ bản giữ nguyên thẩm quyền giao khu vực biển như Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và bổ sung thẩm quyền giao khu vực biển của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Thủy sản (Điều 8 dự thảo Nghị định); theo đó, thẩm quyền giao khu vực biển bao gồm: Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Phương án này bảo đảm tính kế thừa, ổn định của Nghị định số 51/2014/NĐCP và phù hợp với quy định về thẩm quyền giao khu vực biển quy định tại Luật Thủy sản.

Phương án 2: Quy định thẩm quyền giao khu vực biển của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện (không quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ): Phương án này nhằm đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho địa phương, phù hợp với quy định về thẩm quyền giao khu vực biển tại Luật Thủy sản.

Việc quy định thẩm quyền giao khu vực biển theo phương án này nhằm đồng bộ với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo pháp luật đất đai để cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư đối với các dự án có cả nhu cầu sử dụng đất và nhu cầu sử dụng biển, có phạm vi bao gồm cả phần diện  tích đất và phần khu vực biển trong cùng một dự án, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đồng thời là cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển; tổ chức, cá nhân chỉ cần thực hiện đồng thời một thủ tục hành chính tại cùng một cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét quyết định một trong hai phương án nêu trên.

Về việc công nhận khu vực biển đã giao theo quy định của pháp luật đất đai sau khi Nghị định số 51/2014/NĐ-CP có hiệu lực Khoản 1, Điều 10 dự thảo Nghị định quy định đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển thuộc phạm vi nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo đúng quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền, nghĩa vụ cho đến hết thời hạn giao, cho thuê theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, Khoản 1, Điều 10 dự thảo Nghị định chỉ nên quy định xử lý chuyển tiếp và công nhận khu vực biển cho các trường hợp được giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển trước ngày Nghị định số 51/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 15/7/2014).

Các trường hợp được giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm sau ngày Nghị định số 51/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì không được áp dụng xử lý chuyển tiếp, không được công nhận khu vực biển mà phải thực hiện các trình tự, thủ tục để được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển. Bộ TN&MT cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, bởi thực tế, để thu hút đầu tư nên nhiều địa phương vẫn vận dụng quy định của pháp luật về đất đai để giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển thuộc phạm vi nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện.