Khai mở nguồn nước trên đảo tiền tiêu: Dân đảo không còn “khát”
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:51, 13/06/2019
PV: Xin ông cho biết, đôi nét về quá trình tìm nước trên đảo mà Bộ TN&MT triển khai thực hiện?
Ông Triệu Đức Huy: Trên cơ sở Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2010, ngày 21/11/2013, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Dự án thành phần 7 “Điều tra đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng” thuộc dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải”.
Dự án được thực hiện từ năm 2014 đến 2017 tại 9 đảo, cụm đảo bao gồm: Cô Tô - Vĩnh Thực, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Lý Sơn, Hòn Khoai, Phú Quý và Thổ Chu. Trong đó, cụm đảo Lý Sơn do đã được thực hiện trong dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện và kết thúc năm 2016. Do vậy, trong phạm vi của Dự án này chỉ kế thừa các số liệu và kết quả đã được công bố, phê duyệt đối với cụm đảo Lý Sơn.
Cũng trong năm 2011 - 2016, Trung tâm được Bộ giao triển khai thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 129/QĐ-QHTNN ngày 25/7/2011 của Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (nay là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) triển khai trên 5 đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Tre (Kiên Giang), Hòn Chuối (Cà Mau), Thanh Lân và Trà Bản (Quảng Ninh). Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Sở TN&MT một số tỉnh ven biển triển khai điều tra, tìm kiếm và khai dẫn một số công trình cấp nước cho các đảo tiền tiêu như đảo Cô Tô, đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh...
Kết quả thực hiện các dự án đã tìm kiếm, phát hiện được nguồn nước dưới đất có chất lượng tốt, trữ lượng nước đủ điều kiện khai thác và triển khai lắp đặt hệ thống xử lý nước và cấp nước cho quân và nhân dân các đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, đảo Trần...
PV: Tìm nước trên đất liền đã khó, tìm nước trên các đảo lại càng khó khăn hơn. Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn mà cán bộ Trung tâm phải đối mặt khi tiến hành tìm nước trên đảo?
Ông Triệu Đức Huy: Có thể nói, việc tìm nước ngọt trên các đảo là hết sức khó khăn là do các đảo trong phạm vi dự án có diện tích nhỏ, nguồn sinh thủy hạn chế, do đó, nguồn nước ngọt (cả nước ngầm và nước mặt) là rất khó được lưu trữ và tìm kiếm.
Mặt khác, về thi công điều tra, tìm kiếm nguồn nước, để có được nguồn nước, chúng tôi đã phải khoan thăm dò ở rất nhiều vị trí khác nhau. Ngoài ra, quá trình thi công các giếng khoan cần một lượng nước lớn, trong khi đó, lượng nước trên đảo rất hiếm (nước cho sinh hoạt còn khan hiếm), do đó, phải mua nước từ nhân dân trên đảo cho công tác thi công; đồng thời, các cán bộ phụ trách thi công phải sử dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước trong quá trình thi công, nâng cao hiệu suất.
Thuận lợi duy nhất của chúng tôi là sự ủng hộ nhiệt tỉnh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Các đảo đều có khoảng cách xa với đất liền, nguồn nước khan hiếm. Khi Trung tâm thực hiện công tác tìm kiếm nguồn nước trên đảo, lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trên đảo ủng hộ về vất chất và tinh thần, do đó, việc thi công trên các đảo thuận lợi, giảm bớt khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp gì để duy trì và bảo vệ nguồn nước trên đảo, đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất của người dân để họ có thể yên tâm bám đảo góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước?
Ông Triệu Đức Huy: Có thể nói, mỗi đảo trong phạm vi dự án có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, do đó, việc duy trì và bảo vệ nguồn nước trên mỗi đảo cũng khác nhau nhưng tựu trung lại có thể khái quát các giải pháp làxây dựng hành lang bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt, các công trình khai thác nước trên đảo. Quản lý chặt chẽ xả rác thải ra môi trường; xây dựng quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải cách xa vùng quy hoạch khai thác nước; công trình phải nằm trong vùng không phải là nguồn nước cấp cho hệ thống khai thác và khu vực hồ chứa nước. Dừng khai thác các giếng khai thác lớn đã bị xâm nhập mặn hoặc gần ranh giới mặn nhạt bởi các giếng này là nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển ranh giới mặn nhạt. Xây dựng mạng quan trắc và theo dõi, đánh giá diễn biến tài nguyên nước dưới đất. Nghiên cứu, xây dựng công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất tăng lượng bổ cập cho nước dưới đất. Để bảo vệ nguồn nước lâu dài trên đảo cần phải bảo vệ thảm thực vật, trồng cây vào các diện tích trống đồi trọc để giảm lượng bố hơi cũng như tăng cường lượng bổ cập cho nước dưới đất.
PV: Tới đây, Trung tâm có kế hoạch gì trong việc tìm kiếm nguồn nước của các đảo hiện khan hiếm, thưa ông?
Ông Triệu Đức Huy: Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo, cụm đảo lớn, quan trọng” đã đạt được những kết quả rất tích cực. Kết quả điều tra đánh giá đã xác định các đặc trưng chủ yếu về tài nguyên nước trên các đảo.
Về số lượng, đã làm sáng tỏ được hình thái, đặc điểm chế độ dòng chảy các sông, suối, hồ chứa trên các đảo, cụm đảo bao gồm: đảo Vĩnh Thực 12 suối, 10 hồ chứa; đảo Cô Tô 5 suối, 9 hồ chứa; đảo Vân Đồn 10 sông suối chính, 21 hồ đập; Bạch Long Vĩ 5 suối; Cồn Cỏ không có dòng chảy; Lý Sơn 3 dòng chảy tạm thời; Côn Đảo không có dòng chảy, 4 hồ chứa; Hòn Khoai 5 suối; Thổ Chu không có dòng chảy.
Ngoài ra, chúng tôi đã xác định được các tầng chứa nước và mức độ chứa nước của các tầng trên các đảo, cụm đảo; tổng lượng nước mưa năm trên các đảo, cụm đảo; tổng lượng dòng chảy mặt trung bình năm trên các đảo, cụm đảo; tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên các đảo, cụm đảo…
Kết quả cho thấy, về nước mặt tại các suối, hồ chứa trên các đảo, cụm đảo khá tốt, hoàn toàn đáp ứng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt. Chất lượng nguồn nước dưới đất trên các đảo, cụm đảo cũng tương đối tốt. Các chỉ tiêu phân tích cơ bản nằm trong giới hạn cho phép và hoàn toàn đáp ứng cho mục đích ăn uông, sinh hoạt. Tuy vậy, lại một số đảo như Vĩnh Thực, Vân Đồn, Côn Đảo, Cồn Cỏ, nước dưới đất ở một số nơi bị nhiễm mặn không đáp ứng cho mục đích ăn uống sinh hoạt. Vấn đề nhiễm mặn ở các đảo cũng cần được quan tâm nghiên cứu chi tiết hơn.
Với những kết quả nêu trên, đặc biệt là 2 lỗ khoan khai thác tại đảo Bạch Long Vĩ sẽ góp phần giải được “cơn khát” cho nhân dân trên đảo đặc biệt là trong mùa khô.
Trong giai đoạn tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy những thành quả của dự án, đúc rút kinh nghiệm và tiến hành tìm kiếm nước trên các đảo khó khăn về nguồn nước theo chỉ đạo của Bộ TN&MT.
PV: Dự án tìm nước trên đảo hoàn thành sẽ hữu ích như thế nào đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước đang suy thoái, cạn kiệt như hiện nay, thưa ông?
Ông Triệu Đức Huy: Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo, cụm đảo lớn, quan trọng” góp phần quan trọng không những về mặt phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh trên đảo mà còn rất hữu ích cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Bởi lẽ do điều kiện xa xôi, các vùng đảo này trước kia có thể nói là vùng trắng về dữ liệu tài nguyên nước, do đó, rất khó khăn cho việc lập quy hoạch hay định hướng phát triển kinh tế. Với việc điều tra tổng thể cả nguồn nước mưa, nước mặt, nước dưới đất; đánh giá cả về số lượng, chất lượng, đặc điểm phân bố và khả năng khai thác, nguồn dữ liệu từ dự án này là vô cùng quý giá không chỉ cho hiện tại mà còn cho nhiều năm sau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!