Khai mở nguồn nước trên đảo tiền tiêu: Cần chế độ khai thác hợp lý

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:26, 13/06/2019

(TN&MT) - Hiện nay, công tác tìm kiếm nguồn nước trên các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam vô cùng quan trọng và cấp thiết.
co to3
Bơm nước thử nghiệm tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Trong định hướng phát triển đến năm 2020 của Chính phủ về biển đảo đã nêu rõ: “Về cấp, thoát nước: tiếp tục nâng cấp, xây dựng hồ chứa cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như: Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cái Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nhơn Châu, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre, Phú Quốc.... Đẩy mạnh điều tra trữ lượng nước dưới đất của một số đảo lớn để có kế hoạch khai thác, đồng thời nghiên cứu các biện pháp trữ nước mưa kết hợp khai thác nước dưới đất ở các đảo, nhất là tại các đảo nhỏ”.

Tìm nước trên núi đã khó nhưng tìm nước ngoài đảo càng khó hơn nhiều. Để tìm được vài lỗ khoan có nước, các cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Bắc thậm chí phải thi công hàng chục lỗ khoan.

“Một trong những nguyên nhân khiến việc tìm nguồn nước trên đảo khó khăn là do nguồn sinh thủy hạn chế, chủ yếu là do nước mưa cung cấp, xung quanh đảo là nước mặn. Ở đảo nguồn nước mặn rất dễ xâm nhập vào trong tầng chứa nước”, Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc cho hay.

Đến nay, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia và Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc đã triển khai “tìm nước”, thi công và bàn giao công trình cấp nước cho bà con ở nhiều đảo. Riêng Liên đoàn đã thi công ở 2 đảo khó khăn nhất về nguồn nước là Cô Tô và đảo Trần (Quảng Ninh). Trong đó, trên đảo Trần xây dựng 2 trạm cấp nước đơn lẻ bàn giao cho đơn vị bộ đội quản lý sử dụng. Ở đảo Cô Tô cũng xây dựng 1 trạm cấp nước tập trung bàn giao cho huyện đảo sử dụng.

Đối với các đảo như Quan Lạn, Trà Bản, Minh Châu, Lộc Vừng, Chiến Thắng, Vĩnh Thực, quá trình thi công diễn ra thuận lợi hơn do vị trí các đảo gần bờ hơn và khó khăn về nước trên những đảo này không quá nghiêm trọng; bởi ngoài hệ thống khai thác bằng nước mưa, các đảo này còn có các hồ chứa địa phương có thể tích chứa vào để sử dụng dần. Từ khi bàn giao đến nay, các công trình vẫn khai thác bình thường.

Bên cạnh việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước thì trong và sau quá trình khai thác phải đánh giá được vấn đề xâm nhập mặn ngoài đảo như thế nào.

“Chẳng hạn như ở đảo Cô Tô, từ những năm 70,80, Cục Địa chất đã chủ trì thực hiện một số dự án như “Tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất; Điều tra, đánh giá địa chất thủy văn… và khoan một số lỗ khoan. Các lỗ khoan ấy sau đó đều được địa phương tận dụng khai thác. Tuy vậy, thời điểm ấy, các dự án đều là điều tra cơ bản để tìm kiếm ra nguồn nước mà không có số liệu khai thác nước. Chính quyền và nhân dân địa phương ở đảo thấy có lỗ khoan, cứ lắp máy bơm khai thác “bừa bãi”. Đến năm 2013, Liên đoàn ra thi công thì thấy lỗ khoan ở ngay chính trụ sở UBND huyện đảo Cô Tô đã bị nhiễm mặn và không dùng được nữa”, ông Phạm Bá Quyền - Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc dẫn chứng.

Do vậy, để tránh nguồn nước bị suy thoái và xâm nhập mặn, đơn vị thi công đã tính toán và kiến nghị các địa phương khai thác với chế độ phù hợp, đảm bảo lượng khai thác nước cân bằng với lượng bổ cập.

Ông Quyền giải thích thêm, thực tế, có những nơi nước biển xâm nhập vào tầng chứa nước theo phương ngang, nhưng cũng có những nơi lại xâm nhập theo phương thẳng đứng từ dưới lên. Đảo Cô Tô là một ví dụ, ở đó có 1 lỗ khoan, khi khoan sâu thêm một chút nữa lại bị nhiễm mặn; một số nơi khai thác được một thời gian lại bị xâm nhập mặn theo phương ngang kéo vào làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất để bảo vệ và duy trì nguồn nước trên các đảo là chế độ khai thác hợp lý.

Mặt khác, việc duy trì và bảo vệ nguồn nước sau khi tìm kiếm cũng cần chú trọng đến đặc thù riêng của từng đảo. Chẳng hạn như, ở miền Bắc hệ thống các đảo chủ yếu là đảo núi đá; vấn đề ở đây là khan hiếm nước do không khoan được; phải bảo vệ và tăng cường nguồn thủy sinh bằng cách trồng rừng để tạo hệ thống rừng giữ lại nguồn nước, để nước không bị thất thoát chảy ra ngoài biển.

Trong khi đó, một số đảo ở miền Trung như Cồn Cỏ, Lý Sơn, do đặc thù cấu tạo địa chất là lớp trầm tích ở trên dày; khó khăn ở đó không phải “tìm nước”, mà vấn đề là do dễ khai thác mà người dân khai thác bừa bãi, không quản lý được khiến một số nơi bị nhiễm mặn.

Có thể nói, vấn đề quản lý nguồn nước về tài nguyên nước rất quan trọng. Sau khi thi công và bàn giao công trình cho địa phương, Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc đề xuất địa phương quản lý việc khai thác nước hợp lý, tránh khoan bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước; gây cạn kiệt, xâm nhập mặn. Hơn nữa, trong quá trình khai thác, ngoài chế độ khai thác ổn định, phù hợp; theo thời gian phải quan trắc, đánh giá lưu lượng cũng như chất lượng nguồn nước.

Nhờ đó, cho đến nay, các công trình cấp nước trên đảo mà Liên đoàn thực hiện và bàn giao cho địa phương vẫn đảm bảo hiệu quả khai thác, phục vụ ổn định đời sống bà con nhân dân trên các đảo.