Nỗi niềm làng… khát!
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:30, 30/05/2019
Ruộng bỏ hoang
Mười năm qua, bao quanh làng là cả chục mỏ khai thác đất, đá, hàng ngày, hàng đêm tiếng nổ mìn phá đá, bụi đất đá bay ngập trời, rồi cả nghìn lượt xe trọng tải lớn chở đất đá rầm rập qua thôn mỗi ngày, biến ngôi làng trù phú năm xưa trở nên xơ xác… Đến năm 2017, các mỏ khai thác đất, đá đã hết thời gian cấp phép, đóng cửa, nhưng vẫn còn đó bao hệ lụy.
Điều dễ nhận thấy là hơn 12 ha ruộng màu mỡ của thôn năm xưa, bây giờ bỏ hoang cỏ dại ngút ngàn, có chăng chỉ còn vài diện tích nhỏ có thể trồng vài vạt bắp vào mùa mưa. Nguyên nhân rất đơn giản, nguồn nước trong lành tưới tiêu cho hơn 12 ha ruộng ấy nằm trên khe núi Phước Tường đã bị một mỏ khai thác đá, chèn lấp cả hàng nghìn m3 đất đá, chặn kín dòng, đến mức không còn có thể dùng cách nào khai thông được nữa.
Chưa hết, bãi tập kết than của Công ty than Đông Bắc cũng nằm ngay trên đầu nguồn nước, mỗi mùa mưa đến, nước thải từ bãi than tràn xả xuống. Dòng nước đen ngòm đầy hóa chất của than đá tràn vào các thửa ruộng, gây ô nhiễm nguồn nước, đến cây cỏ cũng chết khô, thấm sâu vào lòng đất.
“Vậy là hơn 12 ha ruộng đành bỏ hoang, năm 2017, thôn có đề xuất UBND xã, phòng Nông nghiệp huyện đầu tư cho một cái máy bơm nước, trị giá khoảng 15-20 triệu gì đó, để bơm nước từ nguồn nước đã bị chặn kín dòng chảy trên núi Phước Tường xuống đồng ruộng. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy ý kiến phải hồi, vậy là ruộng vẫn đành bỏ hoang”- ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Hậu nói.
Ruộng đất bỏ hoang, nguồn nước ô nhiễm, đến chăn nuôi cũng không phát triển nổi, cả thôn trước đây có tới mấy trăm con bò, thời gian qua, chẳng hiểu sao cứ ngã bệnh, rồi lăn ra chết dần, bà con bảo, chắc là bò uống phải thứ nước ô nhiễm từ bãi than rồi các mỏ khai thác đất đá chảy xuống. Con heo, con gà cũng chẳng nuôi nổi, vì lấy đâu ra thức ăn cho chúng, và cũng chẳng đủ nước sạch cho chúng tắm rửa vệ sinh, ăn uống nữa… Thôn có mấy trăm hộ, người khỏe thì đi làm công nhân cho doanh nghiệp sản xuất gạch gần thôn, hoặc đi làm thuê làm mướn, người già tuy có còn chút sức lao động, phụ nữ đành ngồi chơi không, chẳng có việc gì làm khi ruộng đất không thể canh tác.
“Khát” nước sạch
Như lời ông trưởng thôn Lê Văn Tuân, cái khổ hiện hữu, thiết thực nhất hiện nay là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Như đã nói, 100% nguồn nước, giếng nước của thôn đã bị chặn dòng, ô nhiễm, đầu năm 2017, dự án nước sạch đã về tới thôn. Nhưng chẳng hiểu đường ống cung cấp nước không đồng bộ, hay lỗi kỹ thuật thế nào, nước cứ phập phà phập phù, lúc mạnh lúc yếu, lúc đục đỏ ngầu…
Theo chân ông Tuân đi vòng quanh thôn, bà con đều cho biết, nước sạch chỉ có vào buổi sáng, đến chiều thì “tịt” hẳn, đến 8 giờ tối mới có lại. Gia đình nào mà không có bồn, bể chứa cho chắc chắn, đảm bảo, sau giờ lao động buổi chiều về nhà, nhất là ngày nắng nóng thì thật là khổ cho việc sinh hoạt vì thiếu nước.
Nguồn nước sạch “tậm tịt” như vậy, nhưng gần 2 năm qua vẫn còn đến gần 20 hộ trong thôn vẫn chưa có nguồn nước sạch. Nằm ngay giữa thôn, 4 gia đình, chị Phạm Thị Xê, ông Phan Văn Ca, Phan Văn Mẫn, Phạm Nghiệp gần 20 nhân khẩu phải sử dụng chung một cái giếng. Vào ngày nắng nóng, 4 chiếc máy bơm cùng bơm chỉ chưa đầy 30 phút là nguồn nước nước dưới giếng cạn kiệt trơ đáy…
Các gia đình chưa có nguồn nước sạch bên cạnh, giếng đều bị ô nhiễm phải đi xin nước hàng xóm ở các hộ đã có hệ thống cung cấp nước sạch. Tôi hỏi ông Tuân, lý do vì sao các hộ dân này chưa có hệ thống cung cấp nước sạch? Ông Tuân cho biết, người dân đã kiến nghị nhiều lần rồi, nhưng đơn vị cung cấp nước sạch cho biết hiện nay còn thiếu đường ống dẫn nước, nên chưa thể lắp đặt ?
Đúng là đụng tới đâu cũng thấy khổ, nhưng chưa hết đâu, thôn nằm trong diện quy hoạch, đầu năm 2018 vừa rồi, đã có công bố chính thức, thôn nằm trong quy hoạch Cụm Công nghiệp Hòa Nhơn giai đoạn 2018 - 2020, dự kiến đến năm 2030. Vậy là theo quy định, tất cả nhà cửa, đất đai không được mua bán, sang nhượng, chuyển đổi, không được xây dựng mới, muốn sửa chữa phải xin phép chính quyền và ngành chức năng… Ông Tuân cho biết, trên thực tế, hiện nay gần như 100% nhà cửa người dân trong thôn là nhà tạm, không một ngôi nhà nào có thể chịu được gió bão cấp 5 cấp 6, chứ đừng nói là trú bão, không biết quy hoạch sẽ kéo dài đến bao giờ, chứ như hiện nay thì lo ngại quá.