Ba Tri (Bến Tre): Điều tiết nước bất cập, thiệt hại kinh tế người dân

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:50, 03/05/2019

(TN&MT) - Thời gian qua, việc điều tiết nước của cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre không hợp lý gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của gần 100 hộ dân tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri. Và những hộ dân này đang mong chờ các cấp chính quyền, cũng như đơn vị quản lý, điều hành nước sớm có chính sách hỗ trợ, bồi thường do việc điều tiết nước bất cập, làm thiệt hại kinh tế người dân.
H1
Cống Vàm Hồ kết hợp điều tiết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho huyện Ba Tri

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Đặng Văn Ẩm, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Mỹ cho biết: “Nhà tôi có 2 miếng ruộng, trong đó miếng ruộng 6 công (6.000 m2), bị thiệt hại hết 4 công. Lúc đầu, khi thấy nước bơm dâng lên cao, có dấu hiệu nước tràn ngập ruộng thì người dân lên xã xin ngưng lại một vài hôm để cho lúa lên cao, nhưng không được. Thậm chí ruộng nhà ông Trưởng ấp cũng bị thiệt hại, mọi người cùng lên xã xin, nhưng xã nói việc điều tiết nước là do bên thủy lợi, lấy nước để phục vụ cho vùng bên trên ngọn, xã không quyết định được”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tí, ngụ ấp Tân Quí, xã Tân Mỹ rất bức xúc và cho rằng, người dân sản xuất lúa vùng trũng này thường xuyên chịu cảnh nước ngập sâu, địa phương chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Theo ông Tí, nước ngập gây thiệt hại đến ruộng lúa và cây trái, hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Qua tìm hiểu, không riêng gì ông Ẩm, ông Tí, mà nhiều hộ dân nơi đây điều mong muốn nhà nước, cũng như những đơn vị quản lý, vận hành nước nên có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, trong thời gian tới, cần có giải pháp điều tiết nước cho phù hợp, tránh xảy ra tình trạng ngập úng như thời gian qua.

Theo số liệu báo cáo của UBND xã Tân Mỹ (Ba Tri), Tân Mỹ là xã thuần nông, đời sống chính của người dân là trồng trọt và chăn nuôi. Toàn xã có 3 ấp, có 771 hộ với diện tích đất nông nghiệp là 994ha. Qua thống kê, ước tính thiệt hại khoảng 60% đối với cây lúa, 60% đối với cây ăn trái, 80% đối với các loại hoa màu.

Cụ thể: Ấp Tân Phú loại cây trồng thiệt hại chủ yếu nhiều nhất là lúa, nhãn, chanh và một số loại hoa màu, với tổng diện tích bị ảnh hưởng nước ngập khoảng 23,29ha, mức độ thiệt hại khoảng 60%. Ấp Tân Quí cây trồng bị thiệt hại trên cây mì, dưa hấu với tổng diện tích bị ảnh hưởng ngập nước 16,13ha, mức độ thiệt hại khoảng 80%. Ấp Tân Thành, loại cây trồng bị thiệt hại chủ yếu trên cây trái, diện tích bị thiệt hại 13,16ha, mức độ thiệt hại 50%.

H2
Việc điều tiết nước bất cập gây thiệt hại lớn đến nông nghiệp vùng trũng thấp

Nguyên nhân do điều tiết nước

Ông Nguyễn Công Luận - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, hiện tại hai cống điều tiết nước nằm trên địa bàn xã là cống Vàm Hồ (ấp Tân Thành) và cống Nhà Thờ (ấp Tân Phú) giáp ranh với xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm). Đây là hai cống chính điều tiết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cả huyện Ba Tri, nguồn nước được lấy từ sông Ba Lai. Việc quản lý, điều tiết nước hai cống này là do Chi nhánh trạm số 1, trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre.

Thời gian qua, UBND xã Tân Mỹ có đề nghị ngưng lấy nước vào hai cống trên để một số người dân thu hoạch lúa phần diện tích xuống giống sớm. Tuy nhiên, qua trao đổi bàn bạc giữa Trưởng trạm 1 với Trưởng phòng NN&PTNT Ba Tri, hai đơn vị này thống nhất tiếp tục lấy nước từ sông Ba Lai vào để phục vụ diện tích lúa Đông Xuân các xã cuối nguồn do vẫn còn nhu cầu trữ nước để tưới trong tình hình diễn biến xâm nhập mặn.

Theo ông Luận, địa phương không nắm được lịch lấy nước từ hai cống trên. Hơn nữa, do Tân Mỹ là xã đầu nguồn, lượng nước lấy vào lớn nên tình trạng ngập tràn bờ là không tránh khỏi. Bởi thế, tình trạng ngập úng đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của bà con, gây thiệt hại không nhỏ đến cây trồng, đẩy bà con vào tình thế khó khăn hơn. Thiệt hại đã ảnh hưởng đến cả 3 ấp trong xã, chủ yếu là trên cây lúa, mì, nhãn, chanh và nhiều loại hoa màu khác.

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Bến Tre đã có buổi khảo sát về tình trạng ngập úng khu vực xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri. Qua thực tế, Đoàn khảo sát xác định nguyên nhân ngập úng là do xã Tân Mỹ ở vị trí đầu nguồn, có địa hình trũng thấp; hệ thống kênh trục bị lạng lấp, gây nghẹt dòng chảy; cùng lúc hai cống Nhà Thờ và Vàm Hồ lấy nước vào với lưu lượng lớn nên nước tràn lên đồng gây ngập úng.

H3
Hệ thống kênh trục bị lạng lấp, gây nghẹt dòng chảy

Đâu là giải pháp?

Từ nhận định trên, Đoàn khảo sát HĐND tỉnh Bến Tre đã đưa ra những kiến nghị các giải pháp chống ngập úng. Theo đó, trước mắt, UBND xã Tân Mỹ vận động nhân dân nạo vét tạo thông thoáng dòng chảy, vận động từng hộ dân tự làm hệ thống đê bao cục bộ trên phần diện tích đất của mỉnh. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre phối hợp với UBND huyện Ba Tri xem xét giảm lưu lượng trữ hợp lý, đảm bảo không gây ngập úng.

Về lâu dài, UBND huyện Ba Tri phối hợp với Sở NN&PTNT Bến Tre khảo sát hỗ trợ giúp xã Tân Mỹ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chống úng cục bộ cho cánh đồng nhằm chủ động hơn cho sản xuất. Bên cạnh đó, UBND xã Tân Mỹ vận động nhân dân đóng góp mặt bằng, thực hiện nạo vét khai thông hệ thống thủy lợi nội đồng khi có vốn đầu tư của trên. Đồng thời, hai đơn vị Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri hỗ trợ giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu canh tác phù hợp, hiệu quả.

Mới đây, qua trao đổi về vấn đề trên đây, ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho rằng, địa phương đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát lại toàn bộ hệ thống kênh rạch trên địa bàn huyện và vùng giáp ranh xã Châu Bình, thuộc huyện Giồng Trôm để có cơ sở đề xuất Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre nạo vét lại các điểm phải khai thông dòng chảy.

Ngoài ra, UBND huyện Ba Tri cũng giao cho ngành chuyên môn phối hợp Trạm thủy nông trên cơ sở lịch vận hành đóng mở hai cống Nhà Thờ và Vàm Hồ được ký hàng năm, đúng tình hình thực tế sẽ điều chỉnh lịch đóng mở cống và lưu lượng nước cho phù hợp với sản xuất của bà con theo từng vùng đất cao, thấp.

“Trước mắt, huyện sẽ tổ chức vận động bà con vùng trũng thấp đắp đê bao cục bộ ngay phần đất của mình. Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn, vận động người dân kỹ thuật sản xuất, liên kết trong sản xuất, thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, cương quyết không để xảy ra tình trạng ngập úng như thời gian qua”, ông Chương nhấn mạnh.