Tài nguyên nước và những giá trị với môi trường sống - Nước sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long: Chông chênh!

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:08, 18/04/2019

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng và khan hiếm nguồn nước sạch trầm trọng.
Anh 2 Nguon nuco may van duc
Tại một số vùng nông thôn Bến Tre, nguồn nước do các nhà máy cung cấp thường xuyên bẩn đục, không hợp vệ sinh

Nước sạch chưa đảm bảo

Nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã “liều mình” sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy cung cấp được lấy từ hệ thống kênh rạch nội đồng, với đầy rẫy những hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, xen lẫn cả chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi. Bảo Thuận là địa phương “khan hiếm” nguồn nước ngọt nhưng số hộ sử dụng nước của nhà máy này chỉ chiếm khoảng 45%, còn lại là dự trữ nguồn nước mưa, khoan giếng hoặc mua nước vận chuyển từ nơi khác với giá đắt đỏ để tiêu dùng.

Tương tự, người dân các vùng nông thôn ở huyện Bình Đại và Thạnh Phú (Bến Tre) cũng phải chịu cảnh sử dụng nguồn nước do các nhà máy nước cung cấp thường xuyên bị bẩn đục, không hợp vệ sinh. Theo lãnh đạo huyện Thạnh Phú, một năm có khoảng 3 - 6 tháng, địa phương bị xâm nhập mặn, nhưng cả huyện chỉ có một nhà máy nước, mới đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu nước của 150.000 người dân. Còn lại phải sử dụng nguồn nước không an toàn từ giếng đào, nước mưa, nước từ ao, hồ, sông, rạch…

Còn tại xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) nơi được bao bọc xung quanh bởi bốn bề sông nước, vừa qua, người dân ở đây rất bức xúc vì có trạm cấp nước hơn 10 năm nhưng vẫn thiếu nước sinh hoạt. Theo bà con, nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung thường xuyên có biểu hiện kém chất lượng, khi xả ra hay bị đóng rong rêu, có màu đen đục nên người dân chỉ sử dụng để tắm giặt, còn ăn uống phải dùng nước đóng bình.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, những năm qua, tỉnh đã đầu tư hơn 107 tỷ đồng để nâng cấp 124 công trình cấp nước sinh hoạt, chuyển đổi mô hình 35 trạm, cải thiện chất lượng nước được 53 trạm. Nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 21 trạm cấp nước bị nhiễm mặn, 23 trạm nhiễm vi sinh, 15 trạm nhiễm sắt và 19 trạm nhiễm Asen…

Nhiều giải pháp bền vững

Tỉnh Bến Tre đã chủ trương đầu tư Dự án “Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng”. Công trình với tổng mức đầu tư dự án khoảng 753 tỷ đồng. Dự án đầu tư đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho nhu cầu xử lý cấp nước sạch hợp vệ sinh và các mục tiêu sinh kế cho người dân các huyện khu vực Cù Lao Minh. Vừa qua, tỉnh Bến Tre đã đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt đầu tiên của tỉnh với sức chứa gần một triệu m3, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và các nhu cầu cấp thiết cho 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện biển Ba Tri và các vùng phụ cận.

Tại Tiền Giang, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã yêu cầu các Sở, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm bơm tăng áp Gò Công, xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước BOO Đồng Tâm phân phối cho Thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông. Đồng thời, xây dựng các tuyến ống chuyển tải, tuyến nối mạng liên thông cho các trạm khu vực nông thôn; thường xuyên theo dõi hoạt động của các công trình cấp nước để có phương án điều phối cung cấp kịp thời nước sinh hoạt cho nhân dân.

Còn Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển các nhà máy nước hiện có và xây dựng thêm các hồ chứa nước thô. Với phương án này, tỉnh Hậu Giang cần tổng nguồn vốn gần 1.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục ưu tiên cấp nước đô thị. Riêng đối với quy hoạch cấp nước ở nông thôn, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, sẽ có 70% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và đến năm 2030, hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 540 tỷ đồng...