Mực nước ngầm sụt giảm, Lý Sơn đối diện với hạn hán sớm

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:54, 04/04/2019

(TN&MT) - Dù mùa nắng nóng mới chỉ bắt đầu nhưng người dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Trong khi đó, công tác bảo vệ, tái tạo nguồn nước ngọt trên đảo đang gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn do nước ngầm bị sụt giảm
Sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn do nước ngầm bị sụt giảm

5 năm nước ngầm tụt 5m

Do không có nguồn nước mặt tự nhiên từ sông, suối như ở đất liền nên hơn 22.000 người dân trên huyện đảo Lý Sơn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, hơn 5 năm trở lại đây, trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mực nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả đo đạt được của phòng TN&MT huyện, vào cuối năm 2017, mực nước tại đây đã tụt 5 mét so với năm 2012. Đến năm 2018, mực nước tụt hơn 1 mét. Từ đầu năm đến nay, trên không có mưa, cộng thêm đang bước vào mùa khô nên mực nước ngầm trên đảo tụt giảm nghiêm trọng.

Cùng với việc sụt giảm mạch nước ngầm, tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn đang diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể, ở xã An Vĩnh, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu từ 300 - 500m so với mép nước biển; ở xã An Bình vào sâu từ 100 - 200m và xã An Hải từ 50-100m. Chính vì thế, 5 năm trở lại đây, người dân ở những khu vực trên phải sang đảo Lớn mua nước về sinh hoạt.

Thời gian qua, Lý Sơn như một đại công trường với việc hàng loạt công trình được xây dựng cũng là nguyên nhân khiến cho mạch nước ngầm suy giảm. Chính việc vỡ quy hoạch, xây dựng quá nhiều công trình lớn cùng một lúc trên một diện tích đảo vốn được hình thành trên 5 miệng giếng núi lửa không tránh khỏi việc tụt giảm nước ngầm. Cùng với đó, năm 2018, lượng khách đến với Lý Sơn là 2.300 triệu lượng. Trong 3 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến Lý Sơn là 23 nghìn lượt, tăng 1000 lượt so với cùng kỳ năm 2018.

Có đủ nước sinh hoạt trong mùa hè là niềm mong mỏi của người dân Lý Sơn
Có đủ nước sinh hoạt trong mùa hè là niềm mong mỏi của người dân Lý Sơn

Đáng nói, ở Lý Sơn hiện có hơn 2.100 giếng, trong đó, có hơn 2000 giếng đào và hơn 100 giếng khoan. Trong khi tổng lượng nước khai thác là hơn 21.500m3/ngày, nhưng lượng nước cho phép chỉ hơn 15.500m3/ngày. Chính việc khai thác vượt trữ lượng đang gây sức ép rất lớn việc tìm ra một nguồn nước đảm bảo cho đảo Lý Sơn.

Nhà bà Bùi Thị Kim Châu, đội 6, thôn Tây, xã An Vĩnh có tổng diện tích chưa đầy 500m2 nhưng có tới 10 giếng khoan. Bà Châu cho biết: Do nhà ở ngay trên mỏ nước ngọt nên bà con đến xin đóng giếng. 10 cái giếng ngày đêm thi nhau hút nước sinh hoạt và nước tưới cho hành tỏi mỗi khi vào vụ nên khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay nguồn nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều gia đình trên đảo đã phải đi mua nước ngọt về ăn uống còn tắm giặt thì vẫn phải dùng nước nhiễm mặn.

“Phải tốn hàng chục triệu đồng người dân mới có được cái giếng nhưng không phải giếng nào cũng đem lại hiệu quả, tức là có nước ngọt, nhiều giếng sau khi hoàn thành thì bị nhiễm mặn ngay do nguồn nước ngọt đã cạn kiệt dần”- bà Châu cho biết.

Tưới tiết kiệm là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm
Tưới tiết kiệm là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm

Loay hoay tìm giải pháp bền vững

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, kết quả điều tra cho thấy, trữ lượng nước ngầm của huyện đảo Lý Sơn khoảng 26.300 m3, nhưng nay đã khai thác hơn 22.000m3. Mới đây, huyện Lý Sơn đã bố trí nguồn kinh phí 75 tỷ đồng để đầu tư dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” giúp nông dân Lý Sơn chủ động hơn trong công tác phòng chống hạn, ổn định sản xuất nông nghiệp.

“Để đảm bảo nguồn nước tưới và sinh hoạt, UBND huyện đã vận động người dân hạn chế các loại cây trồng cần nước nhiều như cây hành và chuyển sang loại cây trồng thích hợp hơn. Với các công trình xây dựng, huyện đã quyết liệt chỉ đạo không cho khoan thêm giếng mới. Quan điểm là phải kết hợp các giếng đã có sẵn trước đó để tiết kiệm nước”- bà Hương cho biết.

Về lâu dài, địa phương đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét phương án dẫn nước từ đất liền ra đảo. Tuy vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng vận hành ít tốn kém và hiệu quả sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra có thể tính đến phương án đầu từ máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nếu đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, thì vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém.

Trong khi Lý Sơn đang loay hoay tìm giải pháp phù hợp thì người dân hằng ngày vẫn đang đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Thậm chí, trong thời gian tới, du lịch Lý Sơn có thể bị ảnh hưởng do những nguyên nhân trên.