Vùng cao Tủa Chùa và nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:18, 21/03/2019

(TN&MT) - Vấn đề nước sinh hoạt đối với huyện vùng cao Tủa Chùa mặc dù được nhiều quan tâm thông qua các chương trình, dự án đầu tư, các giải pháp cấp nước đã được triển khai tại các địa phương, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Người dân vùng cao Tủa Chùa vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.

Được biết, tổng số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn các xã của huyện Tủa Chùa là 114 công trình, hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho 39.983 người dân, đạt 74,28% (bao gồm cả trường học và trạm Y tế, trụ sở xã) Trong đó: Có 92 công trình đang hoạt động; 22 công trình ngừng hoạt động. Thực tế cho thấy một số công trình nước sạch trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn chưa phát huy được hiệu quả do bị hỏng hóc, thiếu nguồn nước, bị xuống cấp…

Người dân vùng cao Tủa Chùa trước nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô
Người dân vùng cao Tủa Chùa trước nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Trao đổi với chúng tôi, ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng của các công trình là do các công trình đã được đầu tư từ lâu (phần lớn các công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ những năm 2000), tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư nên khó khăn cho công tác bảo quản, trông coi. Nguồn nước đầu nguồn bị cạn kiệt vào mùa khô, công tác duy tu, bảo dưỡng tự khắc phục những hư hỏng nhỏ còn hạn chế. Cùng với đó, do hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến công trình hư hỏng. Công tác quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác công trình sau đầu tư xây dựng của một số xã và một bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế dẫn đến hư hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Để lấy được nước người dân phải dùng lu cở để gùi từng can nước
Để lấy được nước người dân phải dùng lu cở để gùi từng can nước

Sính Phình là một trong những xã khó khăn của huyện Tủa Chùa. Ngoài những khó khăn chung về cơ sở hạ tầng, giao thông..., người dân trong xã lại tiếp tục chống chọi với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, khiến đời sống, kinh tế của người dân trở nên khó khăn. Trong đó, các bản khó khăn nhất về tình trạng thiếu nước sinh hoạt là: Thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4 và thôn Đề Hái. Nguyên nhân chủ yếu là do các bản này nằm ở khu vực núi cao, không có nguồn nước.

Mó nước duy nhất cung cấp nước cho 5 thôn vùng cao xã Sính Phình đang dần cạn kiệt sau những ngày nắng nóng.
Mó nước duy nhất cung cấp nước cho 5 thôn vùng cao xã Sính Phình đang dần cạn kiệt sau những ngày nắng nóng.

Theo chân cán bộ xã Sính Phình vượt đèo dốc khoảng chục cây số, chúng tôi đến được Thôn 2, một trong những thôn khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Ông Giàng Cáng Dính, Phó trưởng bản Thôn 2, xã Sính Phình kể về thực tế khó khăn do thiếu nước sinh hoạt nơi đây. Theo ông Dính, cả Thôn 2 có 102 hộ với 604 nhân khẩu. Thường thì từ tháng 2 đến hết tháng 5 hàng năm là thiếu nước trầm trọng. Do ở trên núi cao, trên đầu bản lại không có mó nước nào nên một số hộ ở trên đầu bản kể cả mùa mưa lũ cũng vẫn thiếu nước. Gần bản có duy nhất một mó nước mà nguồn nước chỉ chảy bằng ngón tay, lại chia thành 2 hướng, ngày nào mà bên kia không lấy thì mình mới được nước. Dân bản muốn lấy nước phải dùng can 20 lít cho vào lu cở để gùi, hơn thế là phải dậy từ sáng sớm (khoảng 5 giờ sáng) để đi lấy nước, ai đến muộn mà không lấy được nước thì phải đợi đến khi đi nương về mới đến lấy.

Bể nước tại Thôn 2, xã Sính Phình luôn trong tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô
Bể nước tại Thôn 2, xã Sính Phình luôn trong tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô

Đã gần 10 năm gắn bó với trường Mầm non Sính Phình, cô giáo Nguyễn Thị Thương thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn vì thiếu nước nơi đây. Ngay cạnh trường có bể nước đó nhưng cũng chỉ để “ngắm” bởi không có nguồn nước nào dẫn tới được bể. Cô Thương bày tỏ: Mó nước cách trường khoảng hơn 1km, hàng ngày, các cô giáo trong trường phải tranh thủ lúc nghỉ trưa, lúc tan giờ để thay phiên nhau dùng can đi lấy nước. Nhiều thì không chở được, mà muốn lấy nhiều cũng khó vì mó nước đến lượt mình múc cũng đã gần cạn rồi. Nước lấy về cũng chẳng đủ để tắm rửa, nấu cơm, mọi thứ sinh hoạt mà thiếu nước cực kỳ vất vả.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường Mầm non Sính Phình đi lấy nước tại mó
Cô giáo Nguyễn Thị Thương, giáo viên trường Mầm non Sính Phình đi lấy nước tại mó cách xa trường hơn 1km

Cô Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng trường Mầm non Sính Phình chia sẻ: Khó khăn hơn khi nhà trường bắt đầu nấu ăn cho học sinh bán trú, cũng không biết là nước có đảm bảo hay không, chỉ biết là nhìn thấy sạch, cô và trò cùng dùng để nấu ăn. Nhà trường cũng mong muốn được đầu tư xây dựng bể nước ngầm chứa nước, hứng nước mưa để dùng.

Không khó để bắt gặp cảnh những cô giáo vùng cao đi chở nước
Không khó để bắt gặp cảnh những cô giáo vùng cao đi chở nước

Không chỉ riêng Sính Phình, câu chuyện thiếu nước vào mùa khô xảy ra ở hầu hết các xã vùng cao của huyện Tủa Chùa như: Lao Xả Phình, Trung Thu, Lản Nhì Thàng… Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Thu có 8/9 bản có công trình nước sạch. Thế nhưng, tình trạng thiếu nước vẫn thường xuyên xảy ra do nước đầu nguồn không đảm bảo. Riêng bể nước trung tâm xã phục vụ nước sinh hoạt cho bà con 2 bản Nhè Sua Háng, bản Trung Thu và các đơn vị hành chính, trường học trên địa bàn xã. Chuyện người dân, giáo viên, học sinh… đi chở nước, cõng nước là thường xuyên.

Các xã vùng cao huyện Tủa Chùa thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Trong ảnh: Học sinh trường PTDTBT THCS Trung Thu đi gánh nước sau giờ học.
Các xã vùng cao huyện Tủa Chùa thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch sau đầu tư, UBND huyện xác định cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng về quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác công trình sau đầu tư và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; thành lập, kiện toàn các tổ, đội quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn; kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định hỗ trợ nguồn kinh phí để vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Học sinh trường PTDTBT THCS Trung Thu đi gánh nước sau giờ học.
Học sinh trường PTDTBT THCS Trung Thu đi gánh nước sau giờ học.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành; nhân rộng các mô hình quản lý vận hành hiệu quả; tiếp tục huy động các nguồn vốn, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung hiện có; tính toán hợp lý quy mô công trình xây mới để vừa có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu, vừa đảm bảo ổn định bền vững, đầu tư gắn liền với quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo nguồn nước thường xuyên, bền vững cho các công trình.

Đối với những bản không có nguồn nước, do không chủ động về nguồn nước huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho huyện kiến nghị tỉnh để xem xét đầu tư trong thời gian tới. Cùng với đó, chỉ đạo các xã lồng ghép với các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc để hỗ trợ bình chứa nước, tích nước hoặc khuyến khích cho người dân xây dựng các bể chứa tích nước vào mùa mưa.