Phát triển bền vững tài nguyên nước: Đề xuất các giải pháp nghiên cứu và quy hoạch hợp lý
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:41, 19/03/2019
Tiến sỹ Dương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về tài nguyên nước
An ninh nguồn nước hiện đang là một tromg những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước của Bộ TN&MT, tới đây, Viện tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước với Hà Lan để nghiên cứu liên quan đến sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đề ra các giải pháp cụ thể. Bởi hiện nay, ĐBSCL sụt lún do nhiều nguyên nhân đang được theo dõi. Theo tôi, đây là tổ hợp các nguyên nhân, ở vùng này là do nước ngầm, vùng khác do địa chất… Việc chúng tôi phải làm là xác định rõ nguyên nhân của từng vùng, từ đó, đưa ra giải pháp. Đó là nhiệm vụ nghiên cứu, cố gắng hoàn thành định hướng những nguyên nhân ban đầu trong giữa năm 2019.
Tuy vậy, cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu khác, trước khó khăn về ngân sách, hiện nay, Viện đang tìm nguồn hợp tác với nước ngoài, nguồn đầu tư từ Bộ KH&CN…
Tiến sỹ Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia: Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông hiện rất “nóng”
Chúng ta đang quản lý các nguồn nước theo hướng liên vùng, liên tỉnh và lưu vực sông. Hiện nay, rất khó khăn trong quản lý cũng như sử dụng, khai thác bền vững nguồn tài nguyên này cho hợp lý, công tác quy hoạch đang đi chậm một bước.
Đối với quy hoạch tài nguyên nước, hiện nay, các lưu vực sông lớn rất nóng bỏng, đặc biệt là ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Trung tâm Quy hoạch điều tra Tài nguyên nước đang được Bộ TN&MT giao thực hiện lập các nhiệm vụ cũng như lập các quy hoạch này. Tuy vậy, do tác động của Luật Quy hoạch nên công tác này đang gặp một số khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thiện các đồ án quy hoạch này; đồng thời, sớm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách thì sau khi hoàn thiện các đồ án quy hoạch mới ban hành được, làm căn cứ để quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả.
Tiến sỹ Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Phối hợp với các quốc gia thượng nguồn để đảm bảo nguồn nước cho ĐBSCL
ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, là nơi sản xuất lúa gạo và nhiều loại nông sản, thủy sản chính, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và nhiều nước khác trong và ngoài khu vực. Tuy vậy, do nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, nên tài nguyên nước ở ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn do gia tăng dân số, mở rộng diện tích tưới và khai thác năng lượng của dòng chảy để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế của các quốc gia trong lưu vực, gây suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. Bên cạnh đó, các hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực tế này, đã đặt ĐBSCL đứng trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, đe dọa trực tiếp tới an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.
Để đối phó với những khó khăn thách thức, Việt Nam đã và đang rất coi trọng hợp tác với các quốc gia thượng nguồn trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước sông Mê Công cả trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Đồng thời, là thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực, chủ động và xây dựng vào trong các hoạt động của các cơ chế hợp tác này.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Việt Nam hiện đang giúp Lào tăng cường mạng quan trắc, hệ thống thông tin dữ liệu và quy trình vận hành liên hồ chứa trên dòng chính sông Mê Công; giúp Campuchia tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và hệ thống thông tin khí tượng thủy văn. Đặc biệt, Việt Nam đang phối hợp với Lào và Campuchia, với sự ủng hộ của Ngân hàng Thế giới, xây dựng một đề xuất dự án nhằm tăng cường mạng quan trắc tài nguyên nước/khí tượng thủy văn, tăng cường năng lực và xây dựng trung tâm quản lý thông tin lưu vực sông Mê Công.