Yên Thành (Nghệ An): Nhà máy nước “khát” nước đầu vào
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 21:32, 20/03/2019
Nhà máy nước Long Thành là tên gọi tắt của Trạm cấp nước liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Trung Thành của huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Công trình này do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gọi tắt là Trung tâm nước sạch) thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư để cấp nước sạch cho nhân dân 4 xã trên. Nhà máy nước Long Thành có công suất 3.500 m3/ngày đêm, được hoành thành năm 2016.
Nhà máy này có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỉ đồng. Trong đó, 90% nguồn vốn đầu tư dự án vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 10% còn lại là vốn đối ứng từ các hộ đấu nối sử dụng nước từ dự án. Theo thiết kế, nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy được lấy từ kênh dẫn N6 nối từ kênh Vếch Bắc (kênh N1) chảy về xã Long Thành để tưới cho đồng ruộng, do Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành đang quản lý và khai thác. Hiện, nhà máy đã cung cấp nước sinh hoạt cho 5.500 khách hàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lượng nước vào hồ ít hơn nên việc vận hành nhà máy trở nên khó khăn. Thời điểm chúng tôi có mặt vào một ngày đầu tháng 3/2019, nước trong hồ chứa ở mức thấp, hồ chỉ sâu hơn 1m nước. Tại miệng cống lấy nước thô, nước cũng chỉ chảy một lượng nhỏ. Nơi đấu nối từ kênh N6 vào cống dẫn nước thô về nhà máy nước Long Thành (cách nhà máy 700m), lòng kênh ở đây rộng chưa đầy 1m, nước ở trong kênh N6 chỉ xấp xỉ cao ngang mắt cá chân. Cạnh điểm đấu nối chừng 1m, dòng nước trong kênh N6 bị chặn lại bằng các bao cát để nước dâng lên… Một nhân viên đang trực để “vét” nước từ kênh N6 vào đường ống dẫn về hồ chứa nhà máy cho biết, các nhân viên nhà máy nước phải cắt cử nhau trực 3 ca liên tục thì nước mới chảy về hồ được.
Trước tình trạng nguồn nước thô trong hồ chứa (dung tích hơn 100.00m3) sắp cạn kiệt, ngày 22/2/2019, nhà máy nước Long Thành đã phát văn bản tạm ngừng cấp nước. Chị Đặng Thị Tâm, nhân viên nhà máy nước Long Thành cho biết, trong vòng gần 1 năm trở lại đây, nước vào hồ chứa không còn nhiều như trước. Gần 3 ngày nay chỉ mới ép được vào một phần nhỏ nước vào hồ. Đây mới là thời điểm chưa bị hạn hán, chưa nắng nóng nhu cầu dùng nước của người dân chưa cao nhưng đã thiếu nước cung cấp. Nếu ép toàn bộ nước trên kênh về cho nhà máy, không để cho người dân tháo vào ruộng thì mực nước cũng không được một nửa cống dẫn. Mực nước trong hồ không được bổ sung thì chỉ hơn 1 tuần nữa là phải ngừng bơm.
Kênh N6 là kênh dẫn nước từ kênh N1 của hệ thống thủy lợi Bắc chạy qua các xã: Bắc Thành, Trung Thành, Xuân Thành và Long Thành. Ngoài việc phục vụ cho diện tích tưới sản xuất cho một 4 xã thì kênh N6 còn có nhiệm vụ dẫn nước thô về cho nhà máy nước Long Thành.
Ông Doãn Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết, dự án nâng cấp kênh N6 do Ban Quản lý ngành NN&PTNT thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Trước đây, kênh N6 đoạn qua xã Long Thành rộng 1,6m, bằng đất, nhưng sau khi dự án thi công bê tông hóa kênh mương, nay đã bị thu hẹp lại còn 1 nửa. Quá trình thiết kế không khảo sát kỹ nên khi mở nước vào kênh, đầu kênh thì tràn khỏi bờ, cuối nguồn cũng chỉ mới có được ít nước. Xã đã làm tờ trình đề nghị Sở Nông nghiệp xử lý nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Hôm nào “bí” nước quá thì cho chặn dòng lại để dẫn toàn bộ vào nhà máy nước. Còn nước sản xuất của bà con thì các hộ dân và địa phương phải bỏ tiền để thuê máy bơm nước vào ruộng” – ông Hà nói.
Ông Nguyễn Công Kiên - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành cho rằng, quá trình thực hiện dự án, đơn vị thiết kế kênh N6 không tham vấn ý kiến của xí nghiệp. Do đó, xây dựng xong tuyến kênh chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Trước đây, thấy mặt cắt mương nhỏ, xí nghiệp có văn bản đề nghị điều chỉnh khẩu độ kênh thêm 10cm. Chiều rộng lòng kênh xây dựng cũng không đồng bộ, đoạn rộng nhất 1,2m, hẹp nhất 70cm. Do lòng kênh hẹp, các cống nhánh đặt sát đáy kênh nên lượng nước ở đáy bị hút hết xảy ra tình trạng đầu kênh tràn cuối kênh cạn nước. Trước thực trạng thiếu nước, xí nghiệp đã cho nhân viên phối hợp với nhà máy ép nước liên tục trong nhiều ngày và xây dựng lại hệ thống lịch phân phối theo nước sinh hoạt, nước sản xuất cho từng xã nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Bà Hoàng Thị Thanh Dung - Trưởng Phòng quản lý cấp nước thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt là người phụ trách nhà máy Long Thành nước khẳng định, khi kênh N6 (cũ) còn là kênh đất, mặt cắt rộng đủ cấp nước thô. Nay nâng cấp kênh N6 mặt cắt nhỏ nên từ quý III/2018 đã bị thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt (chủ đầu tư dự án nhà máy nước Long Thành) cho biết, khi xây dựng kênh, trung tâm đã phối hợp cung cấp thông tin khách hàng sử dụng nước cho bên thiết kế mương, nhưng hiện nay, nhà máy mới hoạt động hơn 1 nửa công suất đã thiếu nước thô. Nước về không đủ để chảy vào cống, lại bị cặn nhiều nên xử lý vất vả, tốn kém. Nguyện vọng của nhà máy là nâng cao kênh để nâng nguồn nước dâng cao khoảng 50cm hoặc xây dựng một tuyến đường ống cung cấp nước thô độc lập dài khoảng 5km nối từ kênh N1, chạy kẹp với kênh N6. Tuy nhiên, để làm được đường ống này, tốn khoảng 10 tỷ đồng, trong khi mỗi năm, nhà máy nước Long Thành chỉ dư khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.