Quảng Nam: Đắp đập, ngăn sông để giải quyết tình trạng Đà Nẵng “khát” nước sinh hoạt

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:16, 14/03/2019

(TN&MT) - Nhằm giải quyết việc nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng bị nhiễm mặn từ trước Tết Nguyên đán, một con đập tạm với chiều rộng 9,3m, chiều dài 17,5m, cao trình +3,2m đang được khẩn trương thi công trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để tăng cường lượng nước từ sông Vu Gia về hạ lưu Đà Nẵng.
1. Công nhân tiến hành đắp đập tạm đưa nước về Đà Nẵng
Công nhân tiến hành đắp đập tạm đưa nước về Đà Nẵng

Khu vực đắp đập ngăn sông cách TP. Đà Nẵng gần 40km có tác dụng giữ và chuyển dòng nguồn nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đây là thỏa thuận giữa UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam. Bằng giải pháp này, lượng nước từ sông Vu Gia về đập dâng An Trạch sẽ dồi dào hơn.

Ông Hồ Văn Tập, đại diện những người thi công tại khu vực đập tạm trên sông Quảng Huế cho biết, đập tạm này bắt đầu thi công từ ngày 3/3. Dự kiến đến ngày 15/3, đập tạm này sẽ hoàn thành.

Trước đó, theo đề nghị của Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng và Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về việc nâng cao trình đỉnh đập tạm tại sông Quảng Huế (thuộc 2 xã Đại Cường và Đại An, huyện Đại Lộc), Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra thực địa tại công trình cùng Tổng Cục thủy lợi và các cơ quan liên quan.

Qua kiểm tra thực địa và xem xét phương án thiết kế sơ bộ xây dựng đập tạm nâng cao cao trình đỉnh đập tại sông Quảng Huế, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã thống nhất nâng cao trình đỉnh đập hạn chế lưu lượng trên sông Quảng Huế từ cao trình hiện trạng lên +3,2m.Việc đắp đập cũng được Tổng cục Thủy lợi (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho phép.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, phương án thiết kế, kết cấu đập tạm bằng bao địa kĩ thuật HD chứa cát; với chiều rộng đỉnh đập là 9,3m và chiều dài đỉnh đập là 17,5m; phía hạ lưu xếp rọ đá.

2. Đập tạm được đắp từ gần 4.000 bao cát
Đập tạm được đắp từ gần 4.000 bao cát

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam, với nhiệm vụ của đập tạm là hạn chế lưu lượng nước sông từ Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn trong mùa cạn và tự phá vỡ trong mùa lũ; công trình chịu áp lực nước không cao trong mùa cạn.

Theo một cán bộ Dawaco cho biết, khi nâng cao trình này lên và các thủy điện xả nước thì lượng nước chuyển về Đà Nẵng sẽ được nhiều hơn; đồng thời mức nước ở đập An Trạch sẽ ổn định hơn cũng như độ mặn ở sông Cầu Đỏ sẽ giảm đi.Tuy nhiên, việc đắp đập hiện chỉ là biện pháp tạm thời bởi nếu biện pháp này này mang tính ổn định thì phía Đà Nẵng sẽ xin xây đập kiên cố có cửa điều tiết nước để phục vụ lâu dài trong việc cung cấp nguồn nước tăng cường lượng nước ngọt, giảm mặn cho nước sinh hoạt tại Đà Nẵng.

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng này, chính quyền Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng dự án Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ; Đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt; Tiếp tục đầu tư các tuyến cống cấp nước chính theo dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng. Để tích cực nắm tình hình và xử lý kịp thời các vấn đề về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố, UBND TP. Đà Nẵng sẽ thành lập Ban chỉ đạo cung cấp nước an toàn với thành phần là lãnh đạo các quận, huyện và một số cơ quan liên quan.

Theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ ngày 12/2/2019 đến nay, độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước cầu Đỏ (nơi cung cấp 80% nước sinh hoạt cho Đà Nẵng) diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao, độ mặn trung bình ở mức 800-1.000 mg/l, độ mặn cao nhất là 1.813 mg/l vào lúc 20h30 ngày 18/2/2019 và 1.751 mg/l vào lúc 14h ngày 25/2/2019.

3. Đập hoàn thành sẽ hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn, góp phần tăng trữ lượng nước về đập An Trạch, Đà Nẵng
Đập hoàn thành sẽ hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn, góp phần tăng trữ lượng nước về đập An Trạch, Đà Nẵng

Một diễn biến khác liên quan đến vấn đề nước ngọt cho TP. Đà Nẵng, địa phương này cũng vừa đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp, thống nhất đề xuất Bộ TN&MT điều chỉnh vận hành của các thủy điện từ ngày 24/2 đến 10/5, nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn đang diễn ra.

Cụ thể, đề xuất vận hành phát điện, xả nước theo thời điểm trong ngày như sau, từ 7h-17h, thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước về hạ du sông Vu Gia; thủy điện Sông Bung 4 vận hành phát điện, xả nước với lưu lượng trung bình ngày theo Quy trình 1537; thủy điện A Vương không vận hành phát điện, xả nước.

Từ 17h-7h, thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng trung bình lớn hơn hoặc bằng hai lần lưu lượng phải xả liên tục trong ngày (tức là tổng lượng xả bằng tổng lượng phải xả trong ngày theo Quy trình 1537; thủy điện Sông Bung 4 không vận hành phát điện, xả nước; thủy điện A Vương không vận hành phát điện, xả nước.

Đây là khung vận hành của các thủy điện trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp có thay đổi hình thái thời tiết, khí tượng, thủy văn so với hiện nay hoặc do hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc có yêu cầu bất thường về sử dụng nước ở hạ du, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (hoặc ủy quyền cho các sở, ngành của địa phương), báo cáo Bộ TN&MT và làm việc trực tiếp với các thủy điện để thống nhất chỉ đạo, đề nghị các hồ thủy điện trên xả nước, điều tiết nước khẩn cấp cho hạ du.

Về việc vận hành của thủy điện Đăk Mi 4, trong thời gian từ ngày 24/2 đến ngày 10/5, đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 không phát điện hoặc hạn chế phát điện về sông Thu Bồn với tổng lưu lượng phát điện về sông Thu Bồn cộng với lưu lượng xả về hạ du sông Vu Gia phải không lớn hơn lưu lượng về hồ thủy điện Đăk Mi 4 để tiết kiệm, giữ nước lại trong hồ phục vụ khi có nhu cầu cấp thiết ở hạ du.