“Nước cho tất cả -  Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:53, 19/03/2019

(TN&MT) - Ngày 22/3, Bộ TN&MT tổ chức mít tinh Kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 với Chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm điều chỉnh, cụ thể những cam kết trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn”. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy xung quanh vấn đề quản lý nước của nước ta hiện nay.
0001


PV: Với Chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, xin ông cho biết, ý nghĩa của Ngày Nước thế giới năm nay?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển năm 1992 tổ chức ở Rio, Brazil, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 22/3 là Ngày Nước thế giới được tổ chức hằng năm. Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một chủ đề cho Ngày Nước thế giới nhằm tập trung giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu.

Ngày Nước thế giới 2019 có Chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và vệ sinh, theo đó, đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vì thế, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.

ABay
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy

PV: Tài nguyên nước đang trở thành vấn đề “nóng” với nhiều bất cập. Theo ông, cần có những giải pháp gì trong quản lý nguồn tài nguyên này?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ cho công tác quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Để bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020... Tuy vậy, công tác quản lý về tài nguyên nước còn những bất cập như lập quy hoạch tài nguyên nước chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được các Ủy ban lưu vực sông; thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước.

Đáng lưu ý, tại các địa phương, cán bộ quản lý tài nguyên nước còn thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm. Do kinh phí hạn chế nên công tác xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước khó thực hiện. Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của người dân còn chưa cao, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường; sử dụng nước còn lãng phí, chưa hiệu quả, tình trạng hành nghề khoan nước dưới dất trái phép còn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát...

Theo tôi, công tác quản lý tài nguyên nước cần có những giải pháp là: Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành, trọng tâm là các quy định như: Hạn chế khai thác nước dưới đất; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng.

Tiếp đó, đẩy mạnh điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Đồng thời, triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về: Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước mặt; điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất; công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, báo cáo tài nguyên nước quốc gia (theo giai đoạn 5 năm 1 lần) vào năm 2025, 2030 và lập báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng nước hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Cuối cùng là hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc phối hợp vận hành liên hồ chứa của khoảng 70 hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi cả nước; hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước đối với các sông lớn, quan trọng hoặc trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, xác định được tầm nhìn đến năm 2050, về cơ bản thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đáp ứng được yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung quốc tế.     

PV: Định hướng của Chính phủ là hạn chế khai thác nước dưới đất do nguồn nước này đang ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và dần chuyển hướng sang khai thác nước mặt. Trong khi đó, nhiều lưu vực sông trong cả nước đang ô nhiễm. Theo ông, cần có giải pháp gì để bảo vệ nguồn nước?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Luật Tài nguyên nước 2012 đã có các quy định để quản lý nguồn nước dưới đất như: Quy định về bảo vệ nước dưới đất tại Điều 35, quy định về việc thăm dò, khai thác nước dưới đất tại Điều 44 và Điều 52. Với tốc độ khai thác như những năm qua, nhiều tầng chứa nước đã ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, không còn khả năng khai thác. Có thể nói việc khai thác nguồn tài nguyên nước này đã ở mức báo động, đòi hỏi Chính phủ phải có các biện pháp quản lý hiệu quả và biện pháp phải hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất là điều tất yếu.

Ngày 26/12/2018, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các quy định của Luật Tài nguyên nước, đặc biệt, các quy định về hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP, đồng thời với các giải pháp cụ thể phù hợp cho từng địa phương.

Thực tế, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt đã được quy định khá đầy đủ trong các hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước và môi trường. Tuy vậy, trong quá trình thực thi vẫn có một số vướng mắc, bất cập giữa các cấp, các ngành. Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn tài chính và ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng dẫn đến quản lý ô nhiễm nguồn nước hiệu quả chưa cao. Do vậy, Bộ TN&MT cần rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường để giải quyết các bất cập và đáp ứng với tình hình mới.

Đồng thời, cần phải triển khai các giải pháp tổng thể như: Triển khai việc cải thiện, phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tập trung đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước, hệ thống giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, hệ thống giám sát quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông. Thực hiện việc điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên cả nước và trên các lưu vực sông. Dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước là cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nước để chúng ta có các giải pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp và hiệu quả. Triển khai việc lập quy hoạch tài nguyên nước, trong đó, đặc biệt việc lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông. Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông một trong những biện pháp quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông. Khẩn trương triển khai thực hiện các văn bản mới ban hành nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông như Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; Thông tư số 76/2017/BTNMT ngày 29/12/2017 Quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tại các địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ TN&MT đã phát động các hoạt động hưởng ứng Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành và địa phương có liên quan tổ chức hàng loạt các sự kiện như: Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2019, Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019, Triển lãm ảnh về bảo vệ tài nguyên môi trường và sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước. Bên cạnh đó, sẽ phát sóng trailer tuyên truyền về Ngày Nước thế giới 2019 trên đài truyền hình Trung ương và địa phương từ ngày 15 - 22/3; tổ chức treo băng rôn, poster, đồng thời, liên tục cập nhật hình ảnh và thông tin về chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019 của Bộ TN&MT  trên các phương tiện truyền thông.