Lâm Đồng: Cát Tiên tập trung chống hạn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:20, 11/03/2019
(TN&MT) - Huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có 4 trạm bơm công suất lớn cung cấp nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, nhưng hiện tại chỉ có 2 trạm bơm đang hoạt động. Vì vậy, tình trạng thiếu nước chống hạn phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2019 đã và đang diễn ra hết sức cấp bách đối với người dân địa phương. Để đối phó với tình hình hạn hán đang diễn ra, huyện Cát Tiên đang tập trung mọi nguồn lực và giải pháp giúp người dân chống hạn.
Hai trạm bơm đang “đắp chiếu”
Cát Tiên là vùng sản xuất lúa nước lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích lúa gieo trồng hàng năm lên đến hơn 9.000ha/3 vụ. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, ngoài hệ thống hồ đập, kênh mương thì huyện Cát Tiên còn được đầu tư 4 trạm bơm thủy lợi, với công suất cung cấp nguồn nước tưới từ 100 - 300ha/trạm.
Theo đó, 4 trạm bơm này được xây dựng tại các địa phương có diện tích đất sản xuất lúa lớn của địa phương như Phước Cát, Đức Phổ, Phù Mỹ và Quảng Ngãi. Tất cả các trạm bơm này đều được xây dựng cách đây gần 20 năm về trước và hiện đều đã bị hưu hỏng, xuống cấp. Trước tình hình đó, trong các năm 2016 và 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm. Theo đó, trạm bơm xã Quảng Ngãi được giao cho UBND huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư; 3 trạm bơm còn lại tại xã Đức Phổ, Phù Mỹ và thị trấn Phước Cát do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau thời gian dài sửa chữa, nâng cấp, đến hiện tại mới chỉ có trạm bơm xã Quảng Ngãi (do UBND huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư) đã hoàn thành đưa vào sử dụng với công suất tưới đạt 100%. Trong khi đó, 3 trạm bơm do Sở NN - PTNT làm chủ đầu từ, thì trạm bơm Phước Cát mới chỉ đạt công suất tưới khoảng 40%, tương ứng 120/300ha. Riêng 2 trạm bơm Phù Mỹ và Đức Phổ đang trong quá trình thi công nên phải “đắp chiếu” chưa thể đưa vào sử dụng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 2 trạm bơm đang “đắp chiếu” thì trạm bơm Đức Phổ được tiến hành sửa chữa từ đầu năm 2017 (thời hạn thi công 12 tháng), với tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, trạm bơm Phù Mỹ có tổng mức đầu tư sửa chữa là 5,2 tỷ đồng, được triển khai thi công từ năm 2016 (thời hạn thi công 18 tháng). Đến hiện tại, thời hạn thi công 2 trạm bơm này đã chậm tiến độ từ 7 tháng đến 1 năm, nhưng vẫn còn “đắp chiếu”.
Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết: “Thực tế cho thấy, hơn 2 tháng qua không có mưa, thời tiến nắng nóng kéo dài và diễn biến rất phức tạp. Dự báo trước điều này, huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị Sở NN - PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm bơm do Sở làm chủ đầu tư để đảm bảo cho người dân chống hạn. Tuy nhiên đến hiện tại, 2 trạm bơm Đức Phổ và Phù Mỹ vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến công tác chống hạn và sản xuất của người dân địa phương trong vụ đông xuân 2018 - 2019 và có thể ảnh hưởng đến cả vụ hè thu tới đây”.
Hơn 400ha cây trồng nguy cơ bị hạn
Ghi nhận thực tế cho thấy đến thời điểm này, về cơ bản người dân huyện Cát Tiên đã thu hoạch xong vụ đông - xuân. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn đang còn khoảng 260ha lúa ở các vùng thấp trũng gieo sạ muộn tại các xã Gia Viễn, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, Tiên Hoàng, Nam Ninh, thị trấn Phước Cát và thị trấn Cát Tiên vẫn đang trong giai đoạn làm đòng rất cần nguồn nước. Đơn cử là cánh đồng hơn hơn 80ha tại 2 thôn Mỹ Hợp và Mỹ Thủy (xã Mỹ Lâm). Thời điểm chúng tôi có mặt tại cánh đồng này, hầu hết lúa của người dân đang trong giai đoạn ngậm sữa làm đòng. Hiện tại, huyện Cát Tiên đang tìm mọi giải pháp để điều tiết nước từ hồ Đắk Lô (xã Tiên Hoàng) về giúp người dân Mỹ Lâm chống hạn cho lúa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 20ha lúa của người dân vẫn còn trong tình trạng úa vàng, thậm chí bị khô cháy không thể ngậm sữa do “khát nước”.
Chị Nguyễn Thị Vân, ngụ thôn Mỹ Thủy - xã Mỹ Lâm, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha lúa đang trổ bông. Những năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi nên 1ha lúa mang lại cho gia đình tôi từ 7 - 8 tấn. Năm nay do trời nắng hạn kéo dài, lúa thì đang trổ bông bước vào giai đoạn ngậm sữa nhưng không có nước nên nguy cơ mất trắng là rất cao. Suốt 3 ngày qua, vợ chồng tôi thay nhau túc trực ngoài đồng chờ nước từ hồ Đắk Lô về để lấy vào ruộng chống hạn cho lúa. Song đến nay, vẫn chưa thể lấy nước vào ruộng nên rất lo lắng. Ngoài gia đình tôi, thì khu vực này còn có hơn 20ha lúa của bà con cũng chịu cảnh tương tự”.
Bên cạnh diện tích lúa đang thiếu nước thì còn có hơn 100ha cà phê tại xã Đồng Nai Thương và hơn 60ha cây trồng khác như hoa màu, dâu tằm và cây ăn trái tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cát Tiên cũng đang trong tình trạng “khát nước”. Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND Đồng Nai Thượng, cho hay: “Do nắng hạn kéo dài, nên hầu hết nguồn nước suối tự nhiên tại địa phương đã cạn kiệt. Hiện, toàn xã đang có hơn 100ha cà phê tròng tình trạng bị héo rũ, khô bông nhưng không có nước để chống hạn. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, chắc chắn năm nay, người dân địa phương sẽ mất mùa cà phê và cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
“Trước tình hình hạn hán đã và đang diễn ra, địa phương đang tập trung mọi giải pháp để điều tiết nguồn nước từ các hồ đập giúp người dân chống hạn. Song, nếu nắng hạn tiếp túc kéo dài thì ngoài việc thiếu nước chống hạn cho cây trồng, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cũng có khả năng xảy ra đối với hơn 1.000 hộ dân tại địa phương. Đặc biệt, nắng hạn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất hơn 3.600ha lúa hè thu của người dân địa phương” - ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết thêm.