Sơn La: Nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 92%

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 22:19, 29/01/2019

(TN&MT) – Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, tới hết năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đạt 88%. Trong đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia QC02 - 2009/BYT đạt 45%. 
a2 23
Nhân dân bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Những năm qua, thông qua nhiều Chương trình dự án như Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Tái định cư thủy điện Hòa Bình, Sơn La; giảm nghèo bền vững; Chương trình 134, 135.... Với nhiều nguồn vốn: Ngân sách tập trung hỗ trợ từ TW, Ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế UNICEF, Chính phủ Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Liên minh Châu âu (EU)... tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng 1.635 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước cho hơn 498.000 người dân, tỷ lệ đạt 52,45% tổng số dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Công trình cấp nước nhỏ lẻ hơn 161.000 công trình, cấp nước cho hơn 452.000 người.

Như vậy, tới hết năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là hơn 951.000 người, đạt 88%. Trong đó, người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia QC02 - 2009/BYT là hơn 486.000 người, đạt 45%. Đã có 56 xã trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Giá sử dụng nước không thống nhất giữa các huyện và giữa các xã, theo thống kê từ 500-7.500 đồng/m3 tùy thuộc từng công trình, do địa phương quyết định.

Nhìn chung, công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do phòng chống biến đổi khí hậu chưa có giải pháp hiệu quả dẫn đến nhiều công trình bị cạn kiệt nguồn nước và hư hỏng. Xã hội hóa về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đã triển khai song sự tham gia từ khối doanh nghiệp và tư nhân không đáng kể.

Tình trạng khan hiếm nguồn nước tại một số xã chưa được khắc phục. Tỷ lệ cấp nước theo Quy chuẩn quốc gia ở các trường học và trạm y tế còn ở mức độ thấp, mới tập trung ở các trung tâm xã, các điểm trường cắm bản chưa được quan tâm giải quyết.

Đáng lưu ý, tỷ lệ công trình cấp nước kém và không phát huy hiệu quả còn chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La, hiện chỉ có 96 công trình cấp nước hoạt động bền vững cấp nước cho hơn 188.000 người dân. Còn lại 701 công trình hoạt động bình thường. 444 công trình hoạt động kém hiệu quả và có tới 394 công trình không hoạt động.

Năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh lên 92%. Năm 2020 đạt 95%, trong đó có 65% số hộ nông thôn được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Sơn La sẽ tập trung ưu tiên nâng cấp mở rộng, nối mạng các công trình cấp nước tập trung hiện có. Đối với khu vực dân cư sống phân tán cần áp dụng cấp nước nhỏ lẻ như giếng đào, bể chứa khu vực hoặc bể chứa nước mưa hộ gia đình, tuy nhiên các loại hình này chất lượng không ổn định và khó kiểm soát chất lượng, môi trường, do vậy cần chú trọng hướng dẫn xây dựng, bảo vệ nguồn nước và môi trường.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quản lý công trình cấp nước, phải làm cho cán bộ làm công tác quản lý cấp nước nông thôn nhận thức rõ quản lý, vận hành công trình là thiết yếu, trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong bảo vệ công trình, bảo vệ môi trường, giữ gìn rừng và chống ô nhiễm nguồn nước.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư và tham gia quản lý vận hành các công trình sau đầu tư. Thực hiện các giải pháp cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.