Thừa Thiên Huế: Dân lao đao vì thiếu nước sạch trầm trọng
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:56, 13/12/2018
Đó là tình cảnh đã và đang diễn ra với 42 hộ dân ở thôn Sơn Thọ (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Xã Hương Thọ là một trong những địa phương nằm trong mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới của thị xã Hương Trà và tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016- 2020. Đến nay phần lớn các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế, xã hội… tại địa phương cơ bản đạt theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề nước sạch tại thôn Sơn Thọ không đảm bảo tiêu chí nông thôn mới là trở ngại không hề nhỏ đối với xã Hương Thọ.
Theo tìm hiểu, thôn Sơn Thọ được thành lập mới từ năm 1992 theo chủ trương giãn dân; hiện có 42 hộ về tái định cư với khoảng hơn 200 nhân khẩu. Từ khi thành lập tới nay, thôn Sơn Thọ phát triển chậm, dân chủ yếu trồng cao su, làm ruộng vườn và kinh tế khó khăn; cơ sở hạ tầng không được đầu tư từ đầu; không điện đài (chỉ mới bắt hơn 2 năm nay); không có hệ thống nước máy sạch để sinh hoạt. Muốn có nước để dùng, người dân nơi đây buộc phải đào giếng sâu.
Có mặt tại đây, PV nhận thấy nhà nào cũng có một cái giếng sâu ít nhất là 5 mét, dùng mô tơ điện để hút nước lên chứa ở các thùng nhựa, thau lớn… rồi dùng nước đó để nấu ăn, uống và tắm rửa.
Bà Trần Thị Gái (80 tuổi) chia sẻ, bà về ở thôn này đã hơn 20 năm, kể từ khi về thì việc lấy nước giếng tương đối dễ dàng. Nhưng nhiều năm gần đây nước khô cạn hơn nên phải kêu thợ đào sâu thêm ít mét, bắt mô tô điện mới có nước nhiều hơn…
“Uống nước giếng đã đành, chúng tôi sợ hơn là giếng nay lại có nhiều phèn, không thể nấu cơm, uống nước. Lọc xong một đêm mai lại phèn bám đầy bể. Bây chừ kêu thợ đào giếng sâu cũng không dám nữa vì sợ nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bơm ruộng nó thẩm thấu nằm dưới mạch ngầm nên dễ chết lắm. Con tôi năm ngoái bị ung thư mà chết, một phần cũng là uống nước giếng đào. Hiện một số người trong thôn cũng bệnh tật nằm một chỗ…”- bà Gái tâm sự.
Ông Võ Đại Tranh (53 tuổi) cho hay, mùa hè vừa qua đa số giếng nước trong thôn đều cạn trơ đáy khiến ai ai cũng phải đến các khe suối, hoặc đi xin, mua ở thôn Kim Ngọc cách hơn 3km để về nấu nướng. Chưa bao giờ có chuyện hạn nước giếng như thế này. Còn việc tắm rửa chủ yếu nhờ vào sông Hữu Trạch gần đó nhưng chỉ có trẻ em và người già, còn phụ nữ thì hầu như hiếm.
“Giếng nào còn thì san sẻ uống với nhau, không phải mua thùng nước sạch 10 lít ngoài quán về mà dùng. Còn nhà tôi trồng cây gì cũng khó phát triển vì thiếu nước tưới, nhất là trong mùa khô hạn. Nếu tình trạng này tiếp diễn vài năm nữa chắc dân ở đây khó tồn tại”- ông Tranh nói.
Cũng theo người dân, họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương cũng như các cấp, ban ngành trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với mong muốn có biện pháp đưa nước sạch lên Sơn Thọ, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa có gì tiến triển.
Hầu hết các hộ dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, đa số là các hộ nghèo và cận nghèo, nhà cửa lụp xụp; họ lo chuyện mưu sinh đã đành còn lo thêm nước sinh hoạt. Nhìn cảnh người dân sử dụng nước phèn, hay hối hả đi mua nước, lấy nước từ sông, suối… về sử dụng một cách vất vả khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Quý- Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, Sơn Thọ là thôn kinh tế mới, ở xa cách thôn cũ hơn 3km; hồi đó được nhiều dự án hỗ trợ về môi trường trong đó có việc đào giếng; gần đây vấn đề thiếu nguồn nước sạch ở thôn Sơn Thọ đã được cử tri phản ánh nhiều lần và đây là vấn đề khiến địa phương rất trăn trở.
“Việc đưa nước sạch vào Sơn Thọ ngoài khả năng của địa phương. Vừa qua xã đã làm tờ trình gửi Sở NN&PTNT và Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh và họ đã lên phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát nhiều cây số và các hộ dân, tuy nhiên chưa biết khi nào mới có nguồn vốn để đầu tư bởi vốn nhiều mà dân lại ít nên kinh doanh sẽ lỗ. Mặt khác các hộ dân bố trí không tập trung, ở dàn trải, nhà cách 300 mét- 500 mét nên cũng khó; nhà máy nước cũng cách xa nhà dân”- ông Quý nói.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, vấn đề nước sạch ở Sơn Thọ đã giao cho Chi cục Thủy lợi tỉnh xử lý, sau đó tham mưu Sở có hướng giải quyết. Sở đã làm việc với các đơn vị chức năng, cũng như báo cáo UBND tỉnh nhằm có hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trong thời điểm đang thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công nên nguồn vốn là rất khó khăn…