Yêu cầu 15 ngày tới khu đô thị Tân Tây Đô phải có nước sạch
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:01, 24/08/2018
Ông Hoàng Cao Thắng yêu cầu, những đơn vị này phải nhanh chóng đưa ra giải pháp cấp nước sạch cho người dân trong 15 ngày tới, chấm dứt tình trạng người dân phải sống chung với nước bẩn suốt 5 năm qua.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng giao cho Công ty nước sạch Tây Hà Nội cung cấp nước cho KĐT Tân Tây Đô và ngừng việc cấp nước hiện tại. Yêu cầu các chủ đầu tư cấp 1 và thứ cấp phải chủ động liên hệ với Công ty nước sạch Tây Hà Nội để lên phương án đấu nối nước sạch cho người dân, nếu có khó khăn vướng mắc, liên hệ ngay với Sở Xây dựng, huyện Đan Phượng để kịp thời giải quyết.
“Nếu sau 15 ngày, người dân vẫn không có nước sạch sử dụng, Sở cũng như chính quyền địa phương sẽ mạnh tay xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, có những biện pháp cứng rắn, không thể để tình trạng người dân phải khổ sở vì sử dụng nước bẩn”, ông Thắng khẳng định.
Trước đó, như đã đưa tin, hơn 2.000 hộ dân tại KĐT Tân Tây Đô vẫn đang phải bỏ tiền mua nước bẩn từ nhà máy nước sạch. Cụ thể, nước sinh hoạt mà người dân đang sử dụng có hàm lượng asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Theo phản ánh của người dân, nếu không qua thiết bị lọc, nước sạch do nhà máy nước thuộc Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam cung cấp không thể dùng trong sinh hoạt. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền mua nước tại nhà máy vẫn phải đóng và tiền mua nước đóng chai để ăn, uống thì vẫn phát sinh. Dù đã nhiều lần cầu cứu với chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam - đơn vị cung cấp nước, song trong 3 năm qua, chất lượng nước vẫn không có gì thay đổi.
Có mặt tại buổi họp, đại diện của Công ty nước sạch Tây Hà Nội nhất trí hoàn toàn với quan điểm của Sở Xây dựng. Song đơn vị này đề nghị các CĐT phải cùng chung tay xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, chủ động liên hệ với Công ty để đưa ra phương án, chứ không thể phó thác trách nhiệm.
“Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư, cũng mong những nhà đầu tư của KĐT chia sẻ. Sở Xây dựng mời chúng tôi vào cấp nước cho người dân, chứ đây không phải trách nhiệm của chúng tôi. Thứ nhất, Công ty mong muốn nhà đầu tư, cả thứ cấp và cấp 1 bàn giao cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ chúng tôi phần kinh phí ở mức hợp lý. Thứ hai, bản đồ hạ tầng cũng phải được chia sẻ. Nếu như đồng ý thì chỉ 10 đến 15 ngày, chúng tôi hoàn toàn có thể bơm nước vào cho người dân”, đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội nói.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định, việc để người dân dùng nước bẩn trong suốt thời gian qua là trách nhiệm của các chủ đầu tư và chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến cùng với người dân.
“Chủ đầu tư Hải Phát nói chỉ là người mua nước của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ môi trường Việt Nam cấp cho dân. Việc nước sạch hay nước bẩn như thế nào không biết là trốn tránh trách nhiệm. Biết rõ nước bẩn, vẫn ký hợp đồng mua để ký cho dân mà trả lời như vậy là không đúng. Về phương án chi phí hợp tác với Công ty nước sạch Tây Hà Nội, các chủ đầu tư phải ngồi lại với nhau để ra phương án thương thảo. Ưu tiên tuyệt đối chất lượng sống cho cư dân”, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định.